NHÓM SINH VIÊN TÂM HUYẾT VỚI GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ LÃNG PHÍ THỰC PHẨM

09/11/2022
205Lượt xem

Từ vấn đề lãng phí thực phẩm đến ý tưởng khởi nghiệp tạo tác động xã hội

Theo khảo sát của CEL Consulting – hãng tư vấn về chuỗi cung ứng và vận hành nông nghiệp, tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, từ lúc bắt đầu được thu hoạch cho đến khi thành thức ăn.

Dữ liệu của CEL Consulting cho thấy, tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau quả là cao nhất, khoảng 32% sản lượng, tương đương với khoảng 7,3 triệu tấn rau quả bị thất thoát mỗi năm. Đối với ngành thịt, tỷ lệ thất thoát lên tới 14%, tương đương khoảng 694.000 tấn mỗi năm. Nhóm cá và thủy sản có tỷ lệ thất thoát khoảng 12% sản lượng, tương đương 804.000 tấn mỗi năm.

Nhóm sinh viên tâm huyết với giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm - Ảnh 1.

 

Những thực phẩm bị lãng phí không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm của Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới môi trường với lượng CO2 sản sinh trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Để góp phần giải quyết thực trạng này, một nhóm các sinh viên thuộc Trường Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Thủy Lợi đã xây dựng dự án Food Town.

Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Xã hội – Vietnam Social Challenger Sunny 2022 (VSCS) dành cho sinh viên do Viện nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) phối hợp với Quỹ The Happiness Foundation (thuộc Tập đoàn SK - Hàn Quốc) tổ chức. VSCS hỗ trợ sinh viên về tài chính, kiến thức, huấn luận viên,… để biến ý tưởng giải quyết những vấn đề của xã hội trở thành dự án đi vào thực tế.

"Trong quá trình đi du học, đi làm thêm tại các quán ăn, nhà hàng, chứng kiến nguyên liệu còn dùng được, nhưng phải đổ bỏ do không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của quán ăn, nhà hàng đó, mình thấy rất tiếc. Khi gặp được những người bạn có chung nỗi trăn trở, cùng với nguồn hỗ trợ từ Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Xã hội dành cho sinh viên, chúng mình nghĩ có thể làm gì đó để giảm thực trạng này", Khánh Linh, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, thành viên sáng lập dự án Food Town chia sẻ.

Food Town ra đời với sứ mệnh là "cầu nối" giữa những nhà hàng, quán cafe tầm trung và cao cấp, có lượng nguyên liệu thực phẩm cuối ngày lớn, trở thành các suất cơm giá rẻ tới tay các bạn sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn.

Để những suất cơm "ngon, bổ, rẻ"

Trước khi bắt đầu Food Town, thành viên trong nhóm đã chủ động tham gia các bếp ăn cộng đồng miễn phí trong gần nửa năm để có kinh nghiệm và kỹ năng chuẩn bị hàng trăm suất ăn trưa.

Nhóm cũng đã xin tư vấn và được tập huấn với từ chuyên gia dinh dưỡng, cùng các thầy cô trong trường để tính toán lượng thức ăn phù hợp cho mỗi suất, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhóm sinh viên tâm huyết với giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm - Ảnh 3.

Các nhà hàng kết hợp với Food Town đều phải ký hợp đồng cam kết chất lượng nguồn nguyên liệu.

Vào mỗi đợt diễn ra dự án, các bạn sinh viên sẽ làm việc với những nhà hàng, siêu thị để thu thập nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng vào mỗi buổi sáng sớm.

Từ đây, nhiều món ăn ngon đạt các tiêu chí "ngon, bổ, rẻ" do chính các bạn sinh viên chế biến được tạo ra. Trong khoảng thời gian 2 tiếng sau khi nấu, hàng trăm suất cơm với giá chỉ 10 nghìn đồng được giao tận tay những người lao động, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Sau 2 đợt được tổ chức, Food Town đã chế biến và trao hơn 650 suất ăn trưa với giá 10 nghìn đồng cho các bạn sinh viên, những người lao động, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một con số ấn tượng đối với Food Town khi số thành viên chính thức chỉ có 7 và đều là những người không chuyên trong công việc kinh doanh và nấu ăn.

Nhóm sinh viên tâm huyết với giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm - Ảnh 4.

Dự án Food Town kết nối với Đoàn Thanh niên và một số bệnh viện, lập danh sách những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn để phát những suất cơm "ngon, bổ, rẻ".

"Khi những suất cơm đến tận tay các bệnh nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người lao động nghèo,… nhìn những ánh mắt của họ, chúng mình vui lắm vì biết rằng dự án đang đi đúng hướng. Nhiều người dù trong danh sách có hoàn cảnh khó khăn nhưng khi biết được ý nghĩa của hoạt động, họ sẵn sàng chi hơn 10 nghìn đồng để đóng góp vào dự án. Cũng có người biết đến Food Town, còn tặng nhóm một số tiền, góp gạo, rau để động viên hay đăng kí tham gia làm tình nguyện viên. Tất cả tài chính thu được, chúng mình đều để dành cho các hoạt động tiếp theo", Khánh Linh tâm sự.

Gác lại cơ hội phát triển bản thân cho dự án vì cộng đồng

Để có được kết quả tích cực trên, Khánh Linh và thành viên trong dự án Food Town dành nhiều tâm sức với nhiều giờ trao đổi chuyên môn cùng các chuyên gia cố vấn, là những thầy cô đang giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và những anh chị đã thành công với các dự án xã hội bên ngoài.

Nhóm sinh viên tâm huyết với giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm - Ảnh 5.

Khánh Linh (áo đen) đã dành rất nhiều tâm huyết cho dự án Food Town, mong muốn góp phần giải quyết

tình trạng lãng phí thực phẩm tại Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều thành viên của Food Town phải gác lại kế hoạch học tập, thậm chí là cả cơ hội phát triển bản thân để thực hiện dự án.

"Có bạn trong nhóm đã dừng việc học nửa năm để làm dự án này rồi mới sang Hàn Quốc để học tập theo chương trình liên kết ở trường. Một bạn khác đang học năm cuối của Đại học Bách Khoa, đã phải làm đơn xin lùi lịch làm đồ án tốt nghiệp. Bản thân mình cũng phải từ chối một học bổng 100% đi du học Hàn Quốc để tiếp tục phát triển dự án Food Town".

Khánh Linh chia sẻ tiếp: "Mình nghĩ học là việc cả đời. Bản thân dự án này cũng đã cho chúng mình rất nhiều bài học thực tế và kỹ năng mà trên trường đại học không có. Nhìn lại chặng đường đã qua và những điều đạt được, nhất là ý nghĩa nhân văn của Food Town là giải quyết vấn đề lãng phí thức ăn, thì mình thấy những sự đánh đổi kia là hoàn toàn xứng đáng".

Nhóm sinh viên tâm huyết với giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm - Ảnh 6.

Food Town được nhiều chuyên gia khởi nghiệp tạo tác động xã hội đánh giá cao về tiềm năng

phát triển trong tương lai.

Đồng hành cùng dự án Food Town từ những ngày đầu, Thạc sĩ Nguyễn Quang Huy, giảng viên Trường Đại học Ngoại Thương nhận định Food Town đã tìm ra vấn đề nhức nhối của xã hội là lãng phí thực phẩm.

"Dự án là cơ hội để các bạn sinh viên có thể áp dụng những kiến thức được học trên trường vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời giúp việc học ở trường hiệu quả hơn… Food Town cũng là nguồn cảm hứng thúc đẩy các bạn trẻ khác tham gia vào việc giải quyết các vấn đề xã hội bằng những dự án khởi nghiệp tạo tác động. Từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước", Thạc sĩ Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Cũng đồng hành với Food Town 6 tháng, chị Lưu Thu Giang, Giám đốc vận hành Công ty Thương mại điện tử KTB cho biết giải pháp mà Food Town đưa ra không quá mới, nhưng đây là nhóm sinh viên quyết tâm thực hiện dự án đến cùng. "Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn sinh viên để dự án có thể tiến xa hơn nữa", Giám đốc vận hành Công ty Thương mại điện tử KTB khẳng định.

Được biết, tại sự kiện Chung kết Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Xã hội dành cho sinh viên được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân, dự án Food Town đã giành được giải nhất trong số 60 đội thi tham gia đăng ký. Nhóm được nhận một khoản hỗ trợ tổng giá trị là 3.600 USD để tiếp tục phát triển dự án.

Nhóm sinh viên tâm huyết với giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm - Ảnh 7.

Nhóm phụ trách dự án Food Town trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo tại chung kết Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Xã hội – Vietnam Social Challenger Sunny 2022 (VSCS) dành cho sinh viên. Ảnh: Đắc Quang

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Khánh Linh cho biết, bên cạnh việc duy trì vai trò "cầu nối" giữa nhà hàng có nhiều thực phẩm cuối ngày thành những suất cơm giá rẻ tới tay người dùng, Food Town hướng đến ngăn chặn lãng phí thực phẩm từ gốc, bằng cách đưa ra dự đoán lượng thực phẩm cho các nhà hàng thông qua dữ liệu của những ngày trước đó. Và xa hơn nữa sẽ là tiến tới "xóa sổ" tình trạng lãng phí thực phẩm tại Việt Nam.