XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ - VẬT LIỆU TRONG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

21/10/2022
302Lượt xem

Ngày 28/9/2022, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xu hướng công nghệ - vật liệu trong công trình xây dựng”. Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chủ đầu tư, nhà sản xuất và các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc cho biết, sản xuất vật liệu xây dựng đóng vai trò rất quan trọng trong ngành Xây dựng. Trong 15 năm qua, ngành vật liệu xây dựng đã phát triển nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu hầu hết các loại vật liệu trở thành quốc gia cơ bản đã sản xuất được nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng, không những đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

 

Theo Vụ trưởng Phạm Văn Bắc, sản xuất vật liệu xây dựng ngày nay đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050. Chiến lược được xây dựng trên 6 quan điểm, trong đó quan điểm phát triển vật liệu xây dựng hiệu quả bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng môi trường là rất quan trọng.

 

Phân tích thực trạng ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cũng đề cập tới những thách thức đối với ngành vật liệu xây dựng: tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt; công nghệ sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp; nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; các yêu cầu nâng cao về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính....đều là những lý do khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

 

 

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, ngành vật liệu xây dựng hiện nay cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số  để tối ưu hoá sản xuất và các công đoạn liên quan nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Chuyển đổi số là việc chuyển toàn bộ các thông tin, dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp thành những tín hiệu số để máy tính có thể đọc được, lưu trữ, quản lý, xử lý, chuyển từ nơi này đến nơi khác thông qua kết nối internet (IoT). Nếu không có chuyển đổi số, sẽ không có Cách mạng Công nghiệp 4.0.

 

Tham dự hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cũng thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới xu thế công nghệ trong công trình xây dựng, đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất cụ thể. Đại diện công ty Sơn Hà kiến nghị cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) bù đắp diện tích bê tông hóa đô thị bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương; bắt buộc các công trình ở mọi khu vực đô thị phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước mưa chảy về vùng trũng. Cần nghiêm cấm một số dịch vụ kinh doanh như rửa xe, tưới cây, rửa đường...sử dụng nước máy, bắt buộc dùng nước mưa tái sử dụng.

 

 (Nguồn: Bộ Xây dựng)