>>
Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P2)>>
Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P1)3. Dự báo sự thay đổi về vật liệu xây dựng ở Việt Nam
3.1. Thị trường trong nướcTrong giai đoạn tới, nhu cầu về các chủng loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng đối với thị trường trong nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của từng chủng loại vật liệu xây dựng sẽ khác nhau do có sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Vì vậy, ngành vật liệu xây dựng sẽ phải tập trung hơn nữa vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung vào tăng quy mô công suất như các năm trước đây.
Tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước sẽ ngày càng tăng lên để đáp ứng toàn diện với các định hướng chung về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đến năm 2030 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo kinh tế phát triển nhanh, bền vững và mở cửa, hội nhập mạnh mẽ với kinh tế khu vực và Thế giới. Phát triển công nghiệp, phát triển đô thị gắn liền với xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đô thị và nhà ở ngày càng được đẩy mạnh bao gồm hệ thống đường cao tốc, cầu đường quốc lộ, cầu đường trong đô thị, hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống cảng hàng không, đường thủy, bến bãi…, các công trình nhiệt điện, thủy lợi (đập, đê, kè, cống nổi, cống ngầm, hệ thống kênh mương nội đồng…), các công trình xây dựng đô thị, nhà cao tầng, chung cư, văn phòng, khách sạn, khu du lịch… cộng với nhu cầu hàng ngày về xây nhà ở mới và cải tạo nhà ở cũ của người dân.
Một số yếu tố tác động đến tính cạnh tranh thị trường trong nước đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng phải kể đến là đặc điểm địa lý, địa hình nước ta nằm trải dài ven biển nên mặc dù diện tích không lớn nhưng cự ly vận tải lại khá dài; sự phân bố nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng không đều theo chiều dài đất nước mà tập trung chủ yếu ở một số vùng, miền (ví dụ: nguyên liệu sản xuất xi măng chủ yếu ở miền Bắc, gạch ốp lát tập trung chủ yếu ở miền Bắc và Đông Nam Bộ, đá ốp lát tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung,…); vận tải giữa các miền, các vùng khó khăn do địa hình phức tạp, mưa bão nhiều, hạ tầng giao thông nhiều khu vực vẫn còn yếu. Dân cư nước ta sống rải rác nên mạng lưới tiêu thụ trải rộng. Trong những năm gần đây, số người dân chuyển dịch ra sống và làm việc tại các đô thị tương đối lớn, bình quân khoảng 900.000 người/năm, tỷ lệ đô thị hóa hàng năm tăng khoảng 1%. Số lượng các công trình dân dụng và công trình nhỏ nhiều nên số lượng các hộ tiêu thụ lớn không nhiều nhưng tổng lượng tiêu thụ vẫn là khá lớn. Vẫn còn hiện tượng tiêu thụ theo thị hiếu tiêu dùng bị ảnh hưởng của thói quen truyền thống là coi trọng danh tiếng hàng hóa hơn các thông số kỹ thuật của sản phẩm.
Việt Nam đã gia nhập WTO, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do nên trong giai đoạn tới, với nguyên tắc không phân biệt đối xử và cạnh tranh công bằng, thị trường mở cửa với mức thuế quan ưu đãi và điều kiện thương mại thuận lợi sẽ tạo ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước cũng phải chịu những thách thức lớn từ những nguyên tắc trên.
Các lĩnh vực xi măng, cát, đá, bê tông, vật liệu xây không gặp phải vấn đề cạnh tranh với hàng nhập khẩu, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và cung cấp trong nước với nhau do tiêu thụ các chủng loại vật liệu xây dựng này trong nước là có hạn, trong khi sản lượng của chúng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Thực tế cho thấy năm 2018, hơn 30% sản lượng xi măng nước ta đã xuất khẩu và nếu sản lượng xuất khẩu xi măng trong các năm tới bị sụt giảm thì chắc chắn tính cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ khốc liệt hơn rất nhiều. Vật liệu cát xây dựng cũng sẽ ngày càng chịu sự cạnh tranh và dễ bị đẩy giá lên cao do trữ lượng cát thiên nhiên nước ta có hạn, trong khi các loại cát nghiền, cát tái chế vẫn chưa được thị trường chấp nhận rộng rãi.
(PGS.TS. Lê Trung Thành - Trường ĐH KTQD; ThS. Lê Đức Thịnh - Viện VLXD)