ƯU TIÊN SỬ DỤNG VẬT LIỆU THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

22/12/2020
1529Lượt xem

Ngày 11/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) và Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ năm 2020 với chủ đề "Một số giải pháp về công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng công trình giao thông".

Hiện TP. Hồ Chí Minh có trên 4.500 km đường giao thông, với mặt đường rộng trên 5 m. Hàng năm, thành phố thi công bảo dưỡng các công trình này với chi phí khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. 

Ngoài ra, việc đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông trong 5 năm qua khoảng hơn 50.000 tỉ đồng, trung bình hơn 10.000 tỉ đồng/năm.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, với nhu cầu phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, kinh phí để hoàn chỉnh các qui hoạch giao thông rất lớn, ước tính gần 1.000.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh điều tiết ngân sách và các nguồn thu khác, thành phố sẽ ưu tiên lựa chọn các vật liệu thân thiện môi trường, giá thành thấp và chất lượng tốt nhằm tiết kiệm chi phí trong đầu tư; từ đó vừa bảo đảm nguồn vật liệu vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và bảo trì, khai thác công trình.

Thực tế, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, vật liệu mới trong phát triển giao thông vận tải như nghiên cứu xây dựng qui trình và đánh giá các cầu có kết cấu đặc biệt như cầu dây văng, cầu vòm. 

Đồng thời, ứng dụng một số công nghệ mới trong xây dựng và bảo trì các tuyến đường trong và ngoài đô thị.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải nghiên cứu ứng dụng hệ thống kiểm soát phương tiện vào trung tâm thành phố; đề xuất các giải pháp kiểm tra khí thải xe mô tô; cũng như nghiên cứu áp dụng mô hình giao thông công cộng TOD đối với các nhà ga thuộc các tuyến metro tại thành phố…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, bước đầu, việc ứng dụng các giải pháp trên đã góp phần thiết thực phục vụ công tác quản lí, xây dựng, sửa chữa, khai thác và bảo trì hạ tầng giao thông vận tải tại TP. Hồ Chí Minh. 

Viện cũng đã hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn nghiệp vụ bảo trì cầu, đường nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho thành phố trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành giao thông vận tải, Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, vật liệu mới trong quản lí vận tải; khảo sát, thiết kế, thẩm tra, kiểm định đánh giá chất lượng công trình; xử lí các cầu cũ, cầu yếu, lún vệt bánh xe; xử lí nền đất yếu, lún đường đầu cầu; cải tạo mạng lưới đường giao thông hiện hữu.

Cùng với đó, Viện sẽ nghiên cứu xây dựng và kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng tiên tiến, ứng dụng hế thống ITS, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong tổ chức, quản lí giao thông.

(Nguồn: VLXD.org - Báo Giao thông)