Phát triển vật liệu xây dựng, đặc biệt là kính và xi măng, đã có sự dịch chuyển khá rõ rệt về tiêu chí, thay vì chỉ đóng vai trò phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xu thế phát triển vật liệu xây dựng đã và đang ngày càng tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững, hài hòa cả ba nhân tố chính là kinh tế, xã hội và môi trường.
Nghiên cứu phát triển vật liệu xi măng và kính xây dựng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần nguyên liệu lấy trực tiếp từ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời, tăng cao hàm lượng nguyên liệu tái chế từ phế thải các ngành công nghiệp, phế thải sinh hoạt đang ngày càng được triển khai mạnh mẽ. Đó là xu hướng phát triển của các vật liệu này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bối cảnh chung
Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đã mở ra cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng đô thị thông minh, giá trị sản xuất của ngành cũng sẽ tăng trưởng dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ với những tính năng của vật liệu xây dựng công nghệ 3D, sản xuất và xây dựng theo công nghệ in 3D, dùng robot trong các công đoạn sản xuất, chế tạo, cho phép tiết kiệm được thời gian, nhân lực và nguyên liệu sản xuất.
Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc. Hàng loạt các công trình hạ tầng được khởi công xây dựng và hoàn thiện, hệ thống giao thông được mở rộng, các cảng biển, hàng không được nâng cấp tạo thuận lợi cho giao thông, vận tải nguyên, nhiên liệu sản xuất cũng như các loại sản phẩm vật liệu xây dựng. Bên cạnh thuận lợi, ngành sản xuất vật liệu cũng gặp phải không ít khó khăn về thị trường và tiêu thụ, sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập…
Việt Nam có các điều kiện hết sức thuận lợi về tài nguyên khoáng sản, thị trường, nguồn nhân lực, chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng thành một ngành công nghiệp mạnh, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước, có khả năng cạnh tranh cao. Để biến những tiềm năng lợi thế đó phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đã được định hướng phát triển như sau:
- Phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng đảm bảo hài hòa, bền vững giữa kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, sinh thái, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cả về khối lượng, chất lượng lẫn chủng loại cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Về công nghệ: ưu tiên phát triển những công nghệ mới, tiên tiến hiện đại, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế. Phát triển các công nghệ sử dụng nhiên liệu tái chế, công nghệ nano. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, ô nhiễm môi trường.
- Về sản phẩm: sản xuất đủ về số lượng, chủng loại cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, dành một phần cho xuất khẩu chiến lược. Phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu nội thất cao cấp, vật liệu cách âm, cách nhiệt, vật liệu tiết kiệm năng lượng, vật liệu nano. Sử dụng phế thải công nghiệp, sinh hoạt làm nhiên liệu sản xuất xi măng... Sử dụng lại phế thải xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Sử dụng nhiệt thừa chạy máy phát điện sản xuất xi măng.
Để phát triển vật liệu xây dựng bền vững, hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách như: ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào các ngành công nghiệp vật liệu mới kết hợp với các hoạt động giới thiệu, khuyến khích đầu tư. Đồng thời, xây dựng, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vật liệu mới bao gồm xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng hệ thống hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp ngành công nghiệp vật liệu mới. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất vật liệu công nghiệp; đổi mới công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu với sản xuất. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực từ đào tạo công nhân bậc cao, công nhân lành nghề cho đến các nhà quản lý doanh nghiệp.
(TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)
VLXD.org