Cuối năm: Dự báo tiêu thụ xi măng trong nước tăng

22/09/2021
1035Lượt xem
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng nội địa giảm do tác động của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là 2 thành phố lớn là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều công trình xây dựng tạm ngưng. Tuy nhiên trong thời gian tới, thị trường này được dự báo sẽ có tăng trưởng do có sự nới lỏng một số Chỉ thị của Chính phủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, lượng tiêu thụ xi măng đạt trên 70,77 triệu tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước đạt  trên 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ.

Hiện 3 quốc gia ở châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Bangladesh là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng xi măng và clinker.

Nếu tính đến quý II/2021 thì thị trường xuất khẩu vào Trung Quốc duy trì vẫn vị trí số 1 với gần 10,3 triệu tấn, kim gạch 368,6 triệu USD, chiếm 49,4% lượng và 45,6% về kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước. Tiếp đến Philippines đạt 3,85 triệu tấn, kim ngạch 175,45 triệu USD; Bangladesh đạt 1,93 triệu tấn, kim ngạch 65,4 triệu USD.


Đánh giá về thị trường xuất khẩu, Tiến sỹ Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) chia sẻ, sản lượng xuất khẩu ximăng tăng 12% là tín hiệu đáng mừng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường. Nhu cầu sử dụng xi măng tăng cao và giá xi măng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng.

VNCA đánh giá thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu gần như không thay đổi, vẫn ở mức trung bình khoảng 200 triệu tấn/năm. Tuy nhiên nhờ sức cạnh tranh của xi măng, clinker Việt Nam do lợi thế về đường biển đã giúp mặt hàng này tăng trưởng xuất khẩu.

Lượng lớn xi măng, clinker Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc. Thị trường này không thiếu nguồn cung, nhưng nếu các nhà sản xuất tự vận chuyển đến các vùng ven biển sẽ rất xa; trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường biển của Việt Nam thì gần hơn. Nên đây là lợi thế để Việt Nam xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc, lãnh đạo VNCA nhìn nhận.

Dự báo, trong quý IV/2021, thị trường xi măng tiếp tục ổn định, phát triển, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang đang có chiều hướng giảm. Cùng với đó, việc tái khởi động lại các dự án bất động sản, hạ tầng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa được kỳ vọng tăng trưởng tốt.

Để kích cầu tiêu thụ xi măng trong thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp xi măng đã đưa ra những chiến lược cụ thể như thời gian tới sẽ nâng thị phần trong nước bằng cách hạ giá thành sản phẩm, tái cơ cấu lại sản phẩm theo mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tối ưu hóa hạ tầng logistic, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý giá bán, kênh phân phối, hóa đơn điện tử…

VLXD.org (TH)