ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VẬT LIỆU ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045”

18/08/2020
1429Lượt xem

Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở.

Từng bước thay thế hàng nhập khẩu

 

Trong khuôn khổ kế hoạch triển khai xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương vừa chủ trì tổ chức Tọa đàm “Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Dự tọa đàm có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Tại tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, sản xuất và sử dụng VLXD có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành xây dựng và ngành công nghiệp nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị vật liệu xây dựng thường chiếm 60% - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng, vì vậy chất lượng, giá thành VLXD quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình.
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành VLXD trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất VLXD đều có sự chuyển biến tích cực. “Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới” - tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp, phát triển VLXD đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm VLXD đã tăng gấp 2 - 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đưa ra dẫn chứng, TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - cho hay, về tổng thể chủ trương chính sách đã hỗ trợ việc phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, nhờ đó xi măng Việt Nam đã có bước phát triển lớn trong 20 năm qua. Từ một nước nhập khẩu xi măng, clinker Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tầm vóc lớn trong cộng đồng quốc tế về xi măng. Tổng sản lượng xi măng Việt Nam đã đứng hàng thứ 3, thứ 4 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, ngang bằng Indonesia.
Về các lĩnh vực sản xuất VLXD khác, ngành sản xuất vật liệu gốm ốp lát, Việt Nam hiện là quốc gia có sản lượng đứng thứ 5 thế giới. Các chủng loại sản phẩm VLXD như kính, thiết bị vệ sinh, hiện Việt Nam đã chủ động sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và chỉ nhập khẩu một số sản phẩm cao cấp…
“Doanh thu gốm sứ xây dựng năm 2019 đạt 2,5 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 4 vạn lao động trực tiếp và hàng vạn lao động liên quan. Hiện nay thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng đã mở rộng ra nhiều nước trên thế giới từ khu vực ASEAN đến Hàn Quốc, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Cuba, Nhật và nhiều vùng lãnh thổ khác. Đó là những thị trường mà gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có mặt hàng chục năm nay để từng bước làm nên thương hiệu gốm sứ xây dựng Việt Nam” - ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam - chia sẻ thêm.
 
Hướng đến phát triển bền vững

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh, để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu, trong đó có ngành công nghiệp VLXD. Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất VLXD đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành VLXD trong nước cũng chịu sự tác động của các xu thế phát triển trên thế giới. Do đó, việc ban hành các chủ trương, chính sách để ngành công nghiệp VLXD phát triển nhanh và bền vững là một yêu cầu cấp bách.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, mặc dù ngành VLXD những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất VLXD của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập cần phải khắc phục như: Việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số chủng loại VLXD còn chưa hợp lý, quy mô còn nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao; việc phục hồi môi trường sau khai thác các khoáng sản làm VLXD chưa được chú trọng; công nghệ sản xuất VLXD ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới; nhân lực kỹ thuật được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sản xuất VLXD còn mỏng, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần hướng đến phát triển bền vững ngành VLXD; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất VLXD; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm VLXD trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất VLXD mới, các dự án công suất lớn sử dụng công nghệ tiên tiến ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, về phát triển công nghiệp, về hạ tầng giao thông và gần thị trường tiêu thụ; các dự án sản xuất VLXD sử dụng khối lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt; kết hợp việc sử dụng khoáng sản tự nhiên với việc sử dụng vật liệu tái chế. Tận dụng tối đa tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón và các cơ sở công nghiệp khác làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất VLXD…
Đồng quan điểm, đại diện Hội VLXD Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất VLXD sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất VLXD sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm và môi trường; nâng thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét để sản xuất gạch nung; ban hành quy định về chứng nhận và dán “nhãn xanh” cho các sản phẩm vật liệu xây; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm vật liệu xây được chứng nhận và dán “nhãn xanh”; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có các sản phẩm được chứng nhận và dán “nhãn xanh”, hoặc sử dụng các chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế với tỷ lệ hợp lý…
(Nguồn: VLXD.org)