Hội nghị trực tuyến "Nghiên cứu vật liệu thích ứng với khí hậu trong bối cảnh KTXH của Việt Nam"

25/03/2021
1138Lượt xem

Vừa qua, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến dự án hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và CHLB Đức “Nghiên cứu vật liệu thích ứng với khí hậu trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam”. Hội nghị do PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng VIBM chủ trì.

Dự án CAMaRSEC được thực hiện đồng thời tại Đức và Việt Nam với các đơn vị tham gia: Trường Đại học Stuttgart (Đức); Trường Đại học Hamburg (Đức); Viện Vật lý công trình Fraunhofer (Holzkirchen- Đức); Viện Vật lý công trình Fraunhofer (Stuttgart – Đức); Phòng thí nghiệm TAURUS (Đức); Trường dạy nghề xây dựng Baubildung Sachen; VIBM; Trường đại học Xây dựng Hà Nội (NUCE); Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), HCMC; Trường Cao đẳng xây dựng (CUWC), Hà Nội.

Mục tiêu của dự án là triển khai và phát triển tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và thực hành xây dựng bền vững nói chung trong ngành công nghiệp xây dựng ở Việt Nam thông qua hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo, giáo dục và chuyển giao các kết quả khoa học - các cơ sở nền tảng để hỗ trợ các yếu tố cốt lõi cho việc phân tích vấn đề liên ngành và các nghiên cứu cơ bản trong thực tiễn xây dựng và quy hoạch.


Hội nghị được bắt đầu với phần phát biểu khai mạc của PGS. TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng VIBM; TS. Dirk Schwede, Trường Đại học Stuttgart (Đức), Giám đốc Dự án CAMaRSEC; Bà Ute Arnold, Đại diện Văn phòng Việt Đức Nghiên cứu về Bền vững tại Việt Nam và Ông Weert Börner, Phó Đại sứ, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam. Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng đã có bài phát biểu giới thiệu các chính sách và chương trình phát triển xây dựng bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Nội dung chính của Hội nghị là các bài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của từng hợp phần dự án:

- Kết quả Hợp phần 1 do TS. Dirk Schwede (Đại học Stuttgart) và TS. Phạm Thị Hải Hà (NUCE) trình bày. Báo cáo đã cập nhật quá trình thực hiện sáu nội dung dự án bao gồm: phân tích khí hậu, kiểm toán và đo lường các toà nhà, đánh giá vòng đời của vật liệu xây dựng (VLXD), khái niệm dán nhãn và đánh giá VLXD, tài liệu giảng dạy về VLXD, sách giáo khoa về tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

- Kết quả hợp phần 2 được trình bày bởi TS. Michael Waibel và TS. Nguyễn Thu Thuỷ (ĐH Hamburg), TS. Nguyễn Văn Tuấn (NUCE) & TS. Ngô Lê Minh (TDTU). Báo cáo chia sẻ kết quả thực hiện các nội dung dự án. Hai nội dung quan trọng trong hợp phần 2 là việc thành lập Trung tâm phát triển nhân lực xây dựng bền vững Việt Nam (CCSB-VN) và nghiên cứu khảo sát nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến văn hoá, nhận thức và thói quen trong việc sử dụng năng lượng của các hộ gia đình sống tại chung cư ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Kết quả hợp phần 3 và 4, được trình bày bởi TS. Lê Thị Song (VIBM) và GS.TS Kunzel Hartwig (Viện Vật lý công trình Fraunhofer). Nội dung của báo cáo thể hiện quá trình đầu tư trang thiết bị và xây dựng phòng thử nghiệm và khu thử nghiệm hiện trường để nghiên cứu, thử nghiệm ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm… tới tính năm nhiệt của VLXD. Kết thúc bài trình bày, nhóm thực hiện đã đưa ra kết luận về những vấn đề liên quan đến mô phỏng nhiệt ẩm trên các hệ thống tòa nhà Việt Nam.

- Kết quả hợp phần 5 được trình bày bởi chuyên gia Michael Wieczorek (Trường dạy nghề xây dựng Baubildung Sachen). Báo cáo đã chia sẻ kết quả nghiên cứu liên quan đến công tác chuẩn bị nội dung tài liệu giảng dạy đào tạo nghề cho công nhân xây dựng tại Việt Nam.

Tham gia phiên thảo luận, là các chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng bền vững nói chung và Việt Nam nói riêng. Các chuyên gia bao gồm ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD - Bộ Xây dựng; bà Vũ Thị Kim Thoa - chuyên gia Tư vấn dự án Giáo dục môi trường cộng đồng (PEEP); bà Đỗ Ngọc Diệp - Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC); ông Andreas Gruner - Chuyên gia Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ); ông Hoàng Mạnh Nguyên - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển đô thị xanh; ông Tobias Kuester - Kiến trúc sư công trình xanh; ông Yannick Millet - chuyên gia tư vấn Chương trình phát triển liên hợp quốc tại VN (UNDP).

Các ý kiến thảo luận đánh giá cao ý nghĩa của dự án CAMaRSEC trong bối cảnh của Việt Nam và kết quả dự án từ các bài trình bày của dự án. Các đại biểu đã chia sẻ nội dung các chương trình đang thực hiện ở Việt Nam và mong muốn cập nhật các kết quả tiếp theo của từng hợp phần dự án. Phần thảo luận đã mở ra nhiều cơ hội kết nối giữa các đối tác.

Hội nghị kết thúc với phần thảo luận mở và tổng hợp của đại diện VIBM và phát biểu kết thúc của Giám đốc dự án CAMaRSEC. Trong thời gian tới, nhóm thực hiện dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu các nội dung tiếp theo để đạt được mục tiêu của dự án. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp và được đánh giá cao về mặt chuyên môn của các phần trình bày. Ngài Phó Đại sứ CHLB Đức đã gửi lời chúc mừng và thể hiện sự quan tâm hỗ trợ các bước tiếp theo của dự án.

Về phía VIBM, cùng với sự hỗ trợ của dự án, chuyên gia Đức, VIBM đã hoàn thành đầu tư, xây dựng phòng thí nghiệm Vật liệu tiết kiệm năng lượng, có khả năng thử nghiệm đầy đủ các tính năng nhiệt của VLXD (vật liệu xây, vật liệu hoàn thiện, kính, cửa,…). VIBM đã cùng nghiên cứu, đối chiếu kết quả thử nghiệm với Viện Vật lý công trình Fraunhofer (Đức) và thống nhất kế hoạch triển khai các nội dung tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, PGS.TS. Lê Trung Thành cho biết: VIBM rất vui mừng khi Hội nghị trực tuyến đã diễn ra đúng kế hoạch và thu hút được nhiều đơn vị tham gia, cũng như các chuyên gia, đại diện đến từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức quốc tế (GIZ, UNDP, IFC,…), các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. VIBM đã khẳng định vai trò, sự nỗ lực, phối hợp nghiên cứu thông qua kết quả được báo cáo tại Hội nghị trực tuyến lần này. PGS.TS Lê Trung Thành cũng gửi lời cảm ơn đến các đơn vị, các chuyên gia và những người quan tâm đã đồng hành cùng VIBM trong thời gian qua. Mong rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa VIBM và các đơn vị liên quan sẽ giúp cho công việc triển khai nghiên cứu tiếp trong thời gian tới được thuận lợi và đạt được đúng mục tiêu đề ra.

nguồn: vatlieuxaydung.org.vn