Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P4)

27/09/2021
958Lượt xem
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội đổi mới và phát triển.


Thị trường xuất khẩu của một số sản phẩm vật liệu xây dựng như xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu lợp… dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường trên Thế giới. Thị trường xi măng xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường Bangladesh, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia, Trung Quốc,... Tuy nhiên, dự kiến các nhà máy xi măng tại các nước này (ngoại trừ Trung Quốc) đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường xi măng xuất khẩu cạnh tranh gay gắt hơn.

Tổng hợp các kết quả dự báo về nhu cầu trong nước của các chủng loại vật liệu xây dựng được trình bày trong Bảng 1, cụ thể như sau:

 
Bảng 1. Dự báo nhu cầu trong nước và xuất khẩu các loại vật liệu xây dựng

(Nguồn: Viện Vật liệu xây dựng, 2019)
 
Quy mô thị trường vật liệu ốp lát toàn cầu được ước tính là 56,21 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 7,7% từ năm 2019 đến 2025. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và thu nhập của người dân ở các quốc gia đang tăng dần tại các nước Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tác động khiến thị trường này tiếp tục tăng trưởng. Thị trường vật liệu ốp lát tráng men Bắc Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới với sự thay đổi nhanh chóng đối với tình hình sản xuất trong nước. Nhiều Công ty của Ý đang tăng đầu tư vào khu vực này do nguồn nguyên liệu thô dồi dào và lượng khách hàng rất lớn. Nhu cầu từ xây dựng dân dụng đã và dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trong thời gian gần đây ở các nước mới nổi quan trọng như Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ngày càng già hóa được dự báo sẽ là một yếu tố tăng trưởng quan trọng cho thị trường Bắc Mỹ trong giai đoạn tới.

Việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững được dự kiến sẽ phát triển trong những năm tới. Nhu cầu về gạch ốp mái bằng gốm đang tăng lên do nhận thức ngày càng tăng về các vấn đề môi trường. Những sản phẩm này cung cấp các lợi ích như chống ẩm, chống phai và hiệu quả chi phí, được dự đoán sẽ là tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng. Phân khúc gạch ốp tường chiếm thị phần lớn thứ hai về khối lượng và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng 6.0% trong bảy năm tới. Sử dụng các sản phẩm vật liệu ốp lát tăng lên trong nhà bếp và phòng tắm được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm có nhiều màu sắc, hoa văn và kết cấu để cải thiện vẻ ngoài thẩm mỹ và hình ảnh của các bức tường trong nhà ở.

Theo báo cáo thị trường Research and Markets, thiết bị vệ sinh toàn cầu được định giá 9.194 triệu USD trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 13.616 triệu USD vào năm 2025, dự báo CAGR khoảng 5,0% từ năm 2018 đến 2025 trong đó thị trường sứ vệ sinh của Việt Nam được định giá khoảng 419,0 triệu USD trong năm 2017, dự kiến sẽ đạt 685,2 triệu USD vào năm 2025, CAGR 6,4% từ năm 2018 đến năm 2025. Thiết bị vệ sinh bao gồm bồn rửa, bể chứa nước và bệ thường được sản xuất theo truyền thống là vật liệu bằng gốm, sứ. Tuy nhiên, hiện nay, các thiết bị vệ sinh đã được sản xuất bằng kim loại, thủy tinh, nhựa và các vật liệu khác để thay cho sản phẩm gốm sứ truyền thống. Thị trường sứ vệ sinh toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể vì có sự gia tăng các hoạt động xây dựng và nhu cầu của các công trình thương mại và công nghiệp cùng với mức gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, thu nhập của người dân. Dự kiến mức tăng trưởng cao ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Brasil... Ví dụ, Ấn Độ đang triển khai chương trình Swachh Bharat Abhiyaan xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên toàn quốc.
(Còn nữa)
 
(PGS.TS. Lê Trung Thành - Trường ĐH KTQD; ThS. Lê Đức Thịnh - Viện VLXD)
VLXD.org