TRẢI THẢM THỬ BÊ TÔNG SIÊU TÍNH NĂNG MẶT CẦU THĂNG LONG

29/09/2020
883Lượt xem

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chiều 23/9, các đơn vị thi công bắt đầu thảm thử lớp bê tông cường độ cao (UHPC). Dự kiến ngày 25/9 tới sẽ thảm đại trà lớp bê tông này trên mặt cầu Thăng Long.

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được chính thức khởi công và bắt đầu thi công từ ngày 16/8 vừa qua và dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.

Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng chủ yếu sau: cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa, dày tối thiểu 6cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polyme dày 4cm.

Với những giải pháp này sau khi được sửa chữa theo kết quả tính toán và thí nghiệm trên mô hình, độ cứng của bản mặt cầu đã tăng tối thiểu 3 lần.

Do tính chất phức tạp của dự án nên Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập ban chỉ đạo dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cũng thành lập ban chỉ đạo dự án, đồng thời Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thành một tổ chuyên gia kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm về công nghệ này.

Giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của thiết kế, thi công. Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.

Tất cả giải pháp công nghệ trên được Trường Đại học Giao thông Vận tải đề xuất từ quá trình học tập, vận dụng các kinh nghiệm, kết quả đã được công bố ở nhiều nước châu Âu và áp dụng đầu tiên ở Hà Lan. Công nghệ này cũng dẫn hướng cho nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Như vậy, hai công nghệ chính yếu áp dụng vào dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đều xuất phát từ các trung tâm công nghệ tiên tiến châu Âu.

Về vật tư thi công dự án chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước, máy trang rải, đầm bê tông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…hoặc có thể tự chế tạo. Việc cào bóc, làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa Polyme do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty cổ phần Phương Thành thực hiện.

Vật liệu UHPC (đổ bê tông siêu tính năng) được sản xuất trong nước và được Viện Khoa học công nghệ xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn của Pháp với các thành phần cấp phối chủ yếu là cát thạch anh lấy tại Cam Ranh (Khánh Hòa), xi măng PC50 của nhà máy xi măng Nghi Sơn - Thanh Hóa và một số vật liệu nhập khẩu: silicafume; sợi thép cường độ cao và các loại phụ gia.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Trước đó, mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.

(Nguồn: VLXD.org)