Xu hướng phát triển ngành sản xuất VLXD trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0

04/03/2021
1331Lượt xem

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng chiếm tới 70% tỷ trọng đầu tư công của Nhà nước, trong đó, chi phí cho vật liệu xây dựng (VLXD) chiếm từ 30 - 50% tổng đầu tư xây dựng. Phát triển vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

1. Sức ép phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện môi trường

Sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng đang ngày càng thay đổi để đáp ứng một cách tốt hơn. Các công trình xây dựng trong tương lai sẽ chú trọng nhiều đến độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và xây lắp, và đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình. Định hướng phát triển vật liệu xây dựng trong tương lai cần tập trung đối với các chủng loại hữu cơ; thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu,… là sự lựa chọn tất yếu của ngành vật liệu xây dựng.

Phát triển các loại vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu phải đáp ứng được hai yêu cầu: tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng.
 

Các vật liệu như xốp cách nhiệt; tấm lợp sinh thái; gạch bê tông nhẹ, kính tiết kiệm năng lượng, tấm ốp đất sét nung, ngói tráng men; gỗ ốp tường xanh; xi măng xanh; gạch ốp lát tái chế... được coi như vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Vật liệu hữu cơ trở thành xu thế phát triển loại sơn hiện tại và tương lai bao gồm: phát triển sản xuất sơn có khả năng chịu nhiệt, làm giảm nhiệt độ bề mặt; sơn chống mài mòn, bền trong các môi trường nước ngọt, nước mặn, dầu, hóa chất; phát triển sản xuất các loại sơn biến tính, sơn bền trong môi trường khí hậu nhiệt đới, nắng nóng mưa nhiều; sơn có hàm lượng VOC và hàm lượng kim loại nặng thấp…

Các chuyên gia cho rằng, trong sản xuất xi măng, cần nghiên cứu sản xuất chủng loại xi măng tính năng đặc biệt, xi măng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng, nhiên liệu và nhân công trong sản xuất xi măng.

Vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh trong tương lai sẽ tập trung phát triển những sản phẩm đa dạng về chủng loại, màu sắc, có khả năng chống mài mòn cao; phát triển các sản phẩm ốp lát có tính năng đặc biệt, chống bám bẩn, tự làm sạch, ngăn ngừa rêu mốc, bền màu; sản xuất loại vật liệu hỗn hợp gốm - đá tự nhiên, gốm - vật liệu hữu cơ, composite, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giảm tiêu hao về nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải vào môi trường…

Theo: vatlieuxaydung.org.vn