Ngày 19/2, Viện Vật liệu xây dựng và Hội Bê tông Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Công nghệ UHPC - Lợi thế cạnh tranh cho xây dựng công trình tại Việt Nam. Hội thảo tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia và trình bày của các diễn giả là các nhà khoa học đã có những nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn thành công công nghệ UHPC.
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành chia sẻ những cột mốc ứng dụng công nghệ UHPC ở Việt Nam trong những năm vừa qua, đồng thời nhấn mạnh đã có rất nhiều nghiên cứu về công nghệ UHPC nhưng để đưa được vào ứng dụng trong thực tế tính đến thời điểm hiện nay phải trải qua những giai đoạn khó khăn.
Trước những năm 2010, công nghệ UHPC có tính ứng dụng thấp; đến năm 2012, có những loại sàn mỏng; năm 2013 có các dạng sản phẩm khung, lắp hố ga, kết cấu chịu mài mòn và va chạm, tà vẹt đường ray tàu hỏa; năm 2015 có các loại bể phốt, bộ phận xử lý nước, cọc cừ; năm 2016 Đại học Xây dựng làm đài tưởng niệm trong phía Nam; từ năm 2016, 2017 đến nay phát triển các loại cầu và người đưa ứng dụng công nghệ UHPC vào cầu mạnh mẽ nhất là TS. Trần Bá Việt.
Đặc biệt, gây tiếng vang lớn nhất trong ứng dụng công nghệ UHPC là việc sửa cầu Thăng Long bằng ứng dụng công nghệ UHPC. Đã có khoảng 1.900m³ bê tông UHPC được sử dụng trong quá trình sửa cầu Thăng Long.
Hội Bê tông Việt Nam đã được Bộ Xây dựng giao biên soạn 3 tiêu chuẩn về bê tông UHPC: yêu cầu kỹ thuật phương pháp thử; thiết kế kết cấu; thi công nghiệm thu, cả 03 tiêu chuẩn này đã hoàn thành và nghiệm thu cấp cơ sở chuyển đến Bộ Xây dựng. Hi vọng trong thời gian gần sẽ hoàn thiện, trở thành công cụ để đưa công nghệ UHPC vào các dự án vốn nhà nước mạnh mẽ hơn. Đối với vốn tư nhân có thể sử dụng tiêu chuẩn UHPC của nước ngoài để ứng dụng mạnh mẽ.
Trong bài trình bày của TS. Trần Bá Việt đặc biệt nhấn mạnh cường độ kéo uốn của bê tông UHPC. Theo TS. Trần Bá Việt, so với dầm thép khi cùng công năng, cùng nhịp, cùng tải trọng, thì giá trị của dầm UHPC sẽ rẻ hơn, đặc biệt chi phí bảo trì thấp hơn, trọng lượng dầm UHPC chỉ bằng 70% của dầm thép. Dầm thép chế tạo hiện nay khoảng 30 triệu/tấn nhưng dầm UHPC khối lượng thể tích bằng 1/3 của thép, giá thành khoảng 12 - 17 triệu/tấn tùy theo cường độ chịu kéo.
TS. Trần Bá Việt cũng cho biết, đối với bê tông UHPC, yêu cầu về cường độ kéo uốn và module đàn hổi là quan trọng nhất chứ không phải cường độ nén. Cường độ nén dễ đạt nhưng cường độ kéo uốn mới là quan trọng và sử dụng cường độ kéo uốn là bao nhiêu là bài toán về kinh tế và kỹ thuật, cường độ kéo uốn là bao nhiêu để quyết định việc sử dụng sợi thép là bao nhiêu phần trăm và sử dụng loại sợi thép nào và phối hợp các loại sợi thép như thế nào để ra được tính chất đáp ứng được yêu cầu thiết kế kết cấu.
Ví dụ, khi sửa cầu Thăng Long, TS. Trần Bá Việt và các cộng sự chỉ sử dụng cường độ kéo uốn của bê tông UHPC là 7 với chiều dày lớp phủ 5 - 6cm vì những lý do về mặt kinh tế, kỹ thuật và thi công.
VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)