Có thể nói, với bất kỳ ngành sản xuất nào cũng có phụ trợ, cần phụ trợ. Phụ trợ có thể dưới dạng này, có thể dưới dạng khác, có thể trở thành những công nghiệp phụ trợ, hay chỉ là phụ trợ cung cấp vật liệu này, linh kiện khác… Phụ trợ có thể là một lĩnh vực, một ngành được quản lý bởi quốc gia và cũng có thể chỉ là một chính sách mang tính định hướng của Nhà nước cho doanh nghiệp.
Nhiều người cho rằng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khác với đầu tư vào một số nước trên Thế giới ở lĩnh vực phụ trợ. Một số nước có chính sách mang tính bắt buộc, khi công ty nước ngoài đầu tư vào nước họ nếu công nghệ sản xuất cần có phụ trợ thì Nhà nước sở tại yêu cầu, đồi hỏi phải có phương án phụ trợ kèm theo. Đầu tư phụ trợ, đầu tư công nghiệp phụ trợ phải được tính trước và khi nhà đầu tư sản xuất sản phẩm chính thì phải kêu gọi được nhà đầu tư phụ trợ đầu tư cùng. Nhà đầu tư phụ trợ có thể là nhà đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài nhưng phải có hoạch định. Điều này không làm giảm tính cạnh tranh, lựa chọn của nhà đầu tư sản phẩm chính vì họ đã phải nghiên cứu, xem xét và có những thỏa thuận với nhau về mọi vấn đề mà họ quan tâm.
Chính vì sự khác biệt đó, cho nên khi Tập đoàn Samsung Hà Quốc đầu tư vào Việt Nam sản xuất điện thoại thông minh, sản xuất tivi nhưng phải nhập khẩu từng cái ốc, vít từ nước ngoài. Có thể Việt Nam không đặt ra điều kiện như một số nước vì sợ nếu ta đưa ra điều kiện sẽ gây khó cho nhà đầu tư thì họ không đầu tư nữa.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Việt Nam cần xem xét một cách nghiêm túc vấn đề phụ trợ, đầu tư công nghiệp phụ trợ. Đầu tư công nghiệp phụ trợ cũng không có nghĩa là phải đầu tư ngay trên đất nước đầu tư sản phẩm chính.
Các Tập đoàn đầu tư cho ngành hàng không Thế giới thì phụ trợ được đầu tư ở nhiều nước, được thỏa thuận xem xét từ khi sản xuất máy bay. Bàn tay của Nhà nước, chính sách của Nhà nước định hướng cho đầu tư phụ trợ là vô cùng quan trọng. Một nhà máy sản xuất cửa sắt chống cháy của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam khi lập báo cáo khả thi khi sản xuất cửa đã được chính quyền yêu cầu phải có 5 nhà máy phụ trợ kèm theo để sản xuất khóa, sản xuất các phụ kiện gắn liền với việc tạo ra bộ cửa hoàn chỉnh.
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến thời điểm hiện nay, đã có thể nói rằng là một ngành kinh tế, công nghiệp có quy mô, công suất lớn, có công nghệ hiện đại, có vị thế trên trường quốc tế nhưng chưa có hình hài của một ngành công nghiệp phụ trợ kèm theo. Một ngành xi măng với tổng công suất thiết kế 100 triệu tấn xi măng/năm, với 84 dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lò quay phương pháp khô, có tháp trao đổi nhiệt nhiều tầng, hệ thống tiền nung, làm nguội clinker bằng ghi quay… nhưng phụ tùng thay thế chủ yếu mua ở nước ngoài, từ nhiều hãng với giá rất cao, thời gian cung cấp chậm, hầu hết phải đặt hàng dự trữ.
Một ngành gạch ốp lát ceramic với tổng công suất thiết kế lên đến 800 triệu m2/ năm, có thú hạng cao trên Thế giới nhưng không có lấy 1 cơ sở chế biến nguyên liệu. Dây chuyền sản xuất nào tự đi mua nguyên liệu, tự chế biến… Đây cũng là ngành cần rất nhiều thanh lăn bằng vật liệu chịu lửa cho lò nung nhưng không có 1 nhà sản xuất trong nước.
Hầu hết tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam đều trong tình trạng tự lo, thiếu phụ trợ. Nhiều loại phụ trợ, phụ tùng thay thế còn có thể mua được, nhập khẩu được theo yêu cầu của từng doanh nghiệp. Nhưng với việc định hướng sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu từ rác thải, phế thải thay thế trong sản xuất nhằm giải quyết bài toán môi trường, tăng hiệu quả kinh tế thì cách làm đó chắc không ổn. Nguồn phế thải, rác thải tưởng là nhiều nhưng nếu sử dụng cho sản xuất mà phân bổ cho từng dây chuyền sản xuất với hàng trăm, hàng ngàn dây chuyền thì mỗi dây chuyền có thể sử dụng bao nhiêu ngày trong tháng. Không có cơ sở chế biến tập trung thì làm sao đồng nhất được chất lượng. Nếu không có sự quản lý thì sẽ tranh mua, tranh bán và không nhà sản xuất vật liệu xây dựng nào dám đầu tư công nghệ sử dụng rác thải , phế thải vì đầu tư sẽ không có nguyên liệu và giá cả ngày một tăng cao, hệ lụy khôn lường.
Nhiều vấn đề liên quan đến phụ trợ mà ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt, cần có sự nghiên cứu quản lý, tạo dựng bài bàn, góp phần cho sự phát triển của ngành hiện tại và trong tương lai lâu dài.
(Nguồn: Ximang.vn)