Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P2)

23/09/2021
677Lượt xem
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội đổi mới và phát triển.
>> Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P1)

2. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động

Người lao động có quan điểm về tác động của CMCN 4.0 khác nhau tùy thuộc vào trải nghiệm của họ. Một số kỹ sư có tay nghề cao cho biết, CMCN 4.0 đồng nghĩa với cơ hội việc làm, đặc biệt là đối với những người làm việc về phần mềm. Một số người lao động có tay nghề thấp không quan tâm đến những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đối với việc làm, mà theo họ ít có sự tác động do số lượng việc làm trên thị trường này vẫn rất lớn. Tuy nhiên, một số người cũng tỏ ra lo ngại khả năng tác động tiêu cực của robot đối với thu nhập của những công việc yêu cầu tay nghề thấp.

CMCN là sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong nhiều lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tải tự động, máy in 3D và công nghệ nano trong những năm gần đây. Sự cải tiến này đã có tác động tích cực tới xã hội loài người, làm tăng nhu cầu nguồn nhân lực làm công việc về Internet vạn vật, để xây dựng các phần mềm kết nối các thiết bị và máy móc nhằm tạo sự tương tác từ xa. Ví dụ như: kết nối với máy điều hòa, tủ lạnh và ti vi thông qua wifi, bluetooth. Vậy, lĩnh vực ưu tiên đối với thị trường lao động Việt Nam có thể là gì?
 

Sự xuất hiện của CMCN lần thứ tư là không thể tránh khỏi, chưa nói đến mức độ thâm nhập của nó vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế là khác nhau.

Mặc dù khó dự đoán được tác động đối với việc làm, có một số yếu tố cần phải được quản lý một cách cẩn trọng trong quá trình chuyển đổi. Để làm được điều này, những rào cản về nghề nghiệp, địa lý và sự di chuyển ngành cần phải được dỡ bỏ.

2.1. Bước lên những nấc thang kỹ năng cao hơn

Sở hữu những kỹ năng phù hợp để tăng cường năng lực thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động và thúc đẩy quá trình cải tiến công nghệ là vô cùng quan trọng. Sự kết hợp của các kỹ năng chuyên môn (như STEM) và các kỹ năng cốt lõi (sự sáng tạo, tư duy phân tích, giao tiếp, làm việc theo nhóm…) là cần thiết để trang bị cho lực lượng lao động một cách tốt nhất và thúc đẩy khả năng tự phục hồi trong các thị trường lao động liên tục thay đổi.

Đào tạo, (đa dạng hóa) kỹ năng, đào tạo lại, học tập suốt đời đóng vai trò quan trọng cả trong và ngoài công việc. Các hệ thống giáo dục và đào tạo phải được chuẩn bị để phát triển những kỹ năng cho tương lai. Đặc biệt là cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ đào tạo nhằm đảm bảo đủ cung cầu trong thị trường lao động.

2.2. Cách tiếp cận ngành trong vấn đề tạo việc làm (bao gồm cả các chính sách công nghiệp)

Việt Nam đang chứng kiến tác động ngày càng tăng của sự thay đổi công nghệ tại nơi làm việc, có sự khác biệt đáng kể về hiệu ứng giữa các ngành nghề. Một chiến lược phát triển hiệu quả cần kêu gọi việc mở rộng các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị tăng thêm và việc làm, cùng với hiệu ứng nhân rộng và sự kết nối trước và sau với nền kinh tế trong nước. Tầm quan trọng của các chiến lược công nghiệp và các chiến lược ngành khác để chuyển đổi cơ cấu có thể được tái khẳng định phù hợp với mức độ phát triển quốc gia, khu vực và toàn cầu.


Mô hình tăng trưởng mới toàn diện và bền vững cần được xây dựng cho các ngành sử dụng công nghệ tạo nhiều giá trị tăng thêm và năng suất cao để tạo ra việc làm có chất lượng và các khía cạnh định tính khác của nền kinh tế trong nước.
 
2.3. Vai trò quan trọng của công tác quản trị thị trường lao động

Việt Nam ngày càng có thể cạnh tranh với các thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Nhưng để chuyển đổi tăng trưởng năng suất sang tiền lương cao hơn và mức sống tốt hơn, đòi hỏi phải có các thể chế thị trường lao động hiệu quả, trong đó bao gồm việc bảo vệ có tính pháp lý hiệu quả cho các quyền của người lao động trong các hình thức việc làm khác nhau, đại diện cho tiếng nói của người lao động và thương lượng tập thể. Các quan hệ lao động hiệu quả là chìa khóa của sự ổn định, năng suất và công bằng, những yếu tố này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện.

2.4. Chính sách thị trường lao động và an sinh xã hội chủ động

Với sự thay đổi ngày càng tăng do CMCN 4.0 mang lại, những người lao động thường xuyên chuyển từ công việc này sang công việc khác cần phải được hỗ trợ. Các chính sách thị trường lao động chủ động hiệu quả giúp kết nối người lao động với việc làm đóng vai trò quan trọng để thường xuyên giúp người lao động phát triển những kỹ năng mới; đảm bảo sự chuyển dịch thuận lợi từ một công việc này sang một công việc khác, hỗ trợ đào tạo kỹ năng và cung cấp bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các công việc. Chỉ có chính sách an sinh xã hội phù hợp (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp) mới có thể hỗ trợ chuyển dịch người lao động từ các ngành nghề năng suất thấp lên năng suất cao và xúc tiến việc làm.
(Còn nữa)
 
(PGS.TS. Lê Trung Thành - Trường ĐH KTQD; ThS. Lê Đức Thịnh - Viện VLXD)
VLXD.org