Khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, nền kinh tế đã có dấu hiệu “trỗi dậy” tìm hướng đi để khắc phục hậu quả của đại dịch. Ngành Vật liệu xây dựng mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng lại là ngành có nhiều nét khởi sắc trong cuộc “khởi đầu” này.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh hiện nay, các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư...) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Rõ ràng, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh... nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới.
Theo đó, một số ngành cơ bản mang tính chất cốt lõi như bất động sản hay một số ngành mũi nhọn có khả năng chống chịu tốt như chế tạo, chế biến, xây dựng có thể sớm khởi động trở lại. Bởi lẽ, riêng lĩnh vực bất động sản đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam an toàn trong mắt nhà đầu tư quốc tế, từ tốc độ đô thị hóa nhanh tạo ra nguồn cầu nhà ở lớn bất chấp dịch bệnh và nhu cầu lớn từ du lịch sau một thời gian bị cách ly…
Thêm vào đó, sự khởi động này cũng kéo theo hàng loạt các cung ứng về vật tư, nguyên liệu nhằm phục vụ cho xây dựng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất trang thiết bị nội thất.
Nhằm chuẩn bị tốt cho kế hoạch phục hồi, một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước cũng đang chủ động triển khai giải pháp nâng cao sức mạnh nội tại để đủ sức đón đầu “cuộc chơi” mới hậu Covid-19.
Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm là giải pháp tối ưu mà nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng quan tâm hướng tới tăng trưởng xanh bền vững. Đây là xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm của vật liệu xây dựng tới môi trường.
Cùng với đó, tìm và phát triển những vật liệu mới thay thế thân thiện với môi trường cũng đang là thách thức đối với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Để đẩy mạnh phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, dần thay thế vật liệu xây dựng truyền thống. Một số loại vật liệu xây dựng truyền thống cần được thay thế. Việc thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng xảy ra ở mọi lĩnh vực, từ sản xuất vật liệu xây, sản xuất gốm sứ ceramic, xi măng, kính xây dựng đến các loại vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu trang trí nội ngoại thất mà công nghệ mới sáng tạo trong những thập niên gần đây.
Nếu công nghệ là cơ sở, là điều kiện tiên quyết cho cuộc cách mạng nguyên liệu đầu vào sản xuất vật liệu xây dựng thì yêu cầu bảo vệ môi trường và tăng sức cạnh tranh về giá, sức cạnh tranh của sản phẩm là động lực. Động lực của việc thay thế nguyên liệu sản xuất lúc đầu tưởng như chỉ là phong trào, chuyển thành nhận thức của nhà sản xuất và sau đó trở thành quyết tâm và mang tính sống còn.
Cùng với việc sử dụng năng lượng tái tạo, việc sử dụng nguyên liệu thay thế đã nâng tầm của ngành sản xuất vật liệu xây dựng thành một ngành có sự đóng góp to lớn, giải quyết những bức xúc của xã hội, góp phần bảo vệ môi trường cho nhiều ngành Công nghiệp và xã hội.
Như vậy, để có những bước đi đúng đắn, cân bằng hậu Covid-19, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần bám sát thực tiễn công trình, dự đoán thị trường, đổi mới công nghệ và tìm ra hướng phát triển bền vững, lâu dài gắn với bảo vệ mội trường.
(Theo Báo điện tử BXD)