BÊ TÔNG TRẦN - VẬT LIỆU ĐỘC ĐÁO

20/07/2020
885Lượt xem

Bê tông trần hiện đang là một xu hướng sử dụng vật liệu trên thế giới, có nhiều nhà thiết kế theo đuổi. Bê tông trần không chỉ tồn tại ở các bộ phận kiến trúc mà còn tham gia vào nội thất như các dạng bàn - ghế, quầy, giá, kệ… làm phong phú và tăng nhiều cảm xúc cho không gian.

Bề mặt chất liệu bê tông cốt thép có thể tham gia vào công trình với vai trò là vật liệu kiến trúc, vật liệu trang trí, thường được gọi là “bê tông trần”. Gọi là “trần” là vì khi dỡ ván khuôn, bề mặt bê tông được để trần: không tô trát, ốp, lát, bọc, phủ.

Bê tông trần có nét đẹp riêng bởi sự thô ráp và màu sắc đặc trưng (màu xám xi măng). Bê tông trần cho thấy rõ chất liệu thực, không bị che giấu… phù hợp với quan điểm của một số trường phái kiến trúc.Tuy nhiên, để tạo nên bề mặt bê tông trần đẹp là không hề dễ, đòi hỏi hệ thống ván khuôn chất lượng cao, được tính toán cẩn thận tỉ mỉ theo mạch ngưng khi thi công, và trong quá trình thi công đòi hỏi chất lượng bê tông chuẩn, cùng tay nghề thợ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả các hệ thống kỹ thuật đi ngầm (dây, ống) nằm trong bê tông phải được lắp đặt, đấu nối chuẩn xác trước khi tiến hành thi công đổ bê tông vào khuôn.

Kiến trúc sư người Nhật Bản Tadao Ando là một trong những bậc thầy kiến trúc ưa thích sử dụng chất liệu bê tông trần. Chất liệu bê tông trần và hình thức – ngôn ngữ kiến trúc của ông hòa hợp vào nhau, nâng đỡ và bổ sung cho nhau đầy quyến rũ. Trong những công trình của ông, ấn tượng nhất là những bức tường bê tông, chúng hiện diện rõ nét với “màu sắc” rất riêng. Đó là chủ ý xuyên suốt của ông khi kiến tạo nên những công trình. Ông nói: “Những bức tường thể hiện một sức mạnh, sự mạnh mẽ. Chúng có sức mạnh để phân chia không gian, biến hình không gian, và tạo ra các không gian mới mẻ. Bức tường là những yếu tố cơ bản nhất của kiến trúc, nhưng chúng cũng có thể là yếu tố phong phú nhất.”

Bê tông trần ở Việt Nam

Trước tới giờ, người Việt vẫn luôn quan niệm vật liệu bê tông, quá trình thi công bê tông là “phần thô” nên ở nước ta hầu như không xuất hiện vật liệu bê tông trần. Các cấu kiện bê tông thường được trát vữa rồi sau đó sơn hoặc ốp lát. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, trên thị trường xây dựng đã xuất hiện một số công trình với vật liệu bê tông trần. Ngoại trừ một số công trình giao thông như cầu, cầu vượt, đường trên cao…, một số kiến trúc sư đã mạnh dạn sử dụng bê tông trần vào các công trình dân dụng - chủ yếu là nhà ở quy mô nhỏ. Không phủ nhận nét đẹp rất riêng của vật liệu này, song việc ứng dụng ở Việt Nam còn một số hạn chế.

Đầu tiên là quan niệm như đã nói ở trên, ít chủ nhà, chủ đầu tư thích chất liệu thô mộc này. Tiếp theo là giá thành nâng cao do chi phí cho hệ thống ván khuôn và nhân công; tiếp nữa là trình độ thi công của thợ và điều kiện thi công cụ thể ở Việt Nam. Tất cả những yếu tố ấy cản trở để bê tông trần hiện diện như một vật liệu kiến trúc, vật liệu bề mặt.

Đa phần những công trình để bê tông trần ở Việt Nam là ở trạng thái không chủ động: tức là sau khi dỡ ván khuôn, thấy đẹp nên không trát; hoặc chủ động không hoàn toàn: chủ ý làm bê tông trần, nhưng nếu dỡ ván khuôn thấy xấu thì lại trát. Thêm nữa, hầu hết chất liệu bê tông trần cũng chỉ xuất hiện ở các cấu kiện kết cấu bắt buộc, như cột, dầm, sàn. Hiếm có công trình nào thiết kế tường bê tông với dụng ý để trần bề mặt. Nguyên nhân điều này xuất phát từ cả lý do kinh tế lẫn kỹ thuật: chi phí vật tư và nhân công cao cùng đòi hỏi tay nghề thợ thi công.

Một yếu tố liên quan khác, nếu sử dụng bê tông trần thì quy trình thi công, cấu tạo các cấu kiện kiến trúc khác cũng phải tuân thủ theo hợp lý, như cửa, lan can, mái… Vì không thể làm theo cách cũ là cứ… đục ra rồi trát lại.

Ở Việt Nam, bê tông trần vẫn là mới mẻ. Nhưng thực sự đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều loại chất liệu này, mong là nó sẽ đem lại sự đa dạng trong các công trình kiến trúc và góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật trong cả thiết kế lẫn thi công.

(Theo TC Kiến trúc Nhà đẹp)