Công nghệ sử dụng bùn thải nhà máy nhôm tấm để sản xuất xi măng alumin CA50

06/07/2021
769Lượt xem

Công nghệ chế tạo xi măng alumin CA50 phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu. Hai thành phần chính được sử dụng trong công nghệ chế tạo xi măng alumin CA50 là đá vôi và oxit nhôm hoặc hydroxit nhôm, ngoài ra tùy theo nguồn nguyên liệu và nguồn phế thải có chứa oxit nhôm (Al2O3 và CaO) có thể nghiên cứu thay thế một phần nguồn nguyên liệu tự nhiên.

Xi măng alumin tại thị trường Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Pháp... Theo số liệu thống kê năm 2017, tổng lượng nhập khẩu là 23.000 tấn. Nhu cầu sử dụng xi măng alumin ngày càng tăng khi ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ngày càng phát triển. Vì thế, năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Viện Vật liệu xây dựng do TS. Lưu Thị Hồng làm chủ nhiệm, đã thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ sử dụng bùn thải của nhà máy nhôm tấm làm nguyên liệu sản xuất xi măng alumin CA50" thuộc chương trình: Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ Công Thương giai đoạn 201 7- 2020: “Nghiên cứu phát triển công nghệ, thiết bị và vật liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường”.
 

Nội dung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tập trung chủ yếu vào các khâu: Thu gom bùn nhôm, lựa chọn chất lượng nguyên liệu sử dụng, hoàn thiện quy trình nghiền nguyên liệu, trộn phối liệu và chế độ nung phối liệu, nghiền sản phẩm xi măng. Trên cơ sở đó, thiết lập quy trình công nghệ sản xuất xi măng alumin CA50 trên dây chuyền quy mô công nghiệp, sản xuất thử nghiệm 100 tấn xi măng và ứng dụng sản phẩm vào thực tế.

Dự án đã hoàn thiện công nghệ sản xuất xi măng alumin CA50 từ bùn thải nhà máy sản xuất nhôm tấm với công suất 30 tấn clanhke/ngày. Dự án đã đầu tư và cải tạo thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất bao gồm:

- Khảo sát và lắp đặt máy nghiền 3R để nghiền nguyên liệu và nghiền sản phẩm sau khi nung; - Mua mới thiết bị trộn đồng nhất phối liệu khô.

- Lắp đặt thiết bị trộn ẩm và các hệ thống phun nước tự động;

- Cải tạo thiết bị tạo hình - Lò nung: Thay thế đồng hồ và can nhiệt phù hợp. Kiểm soát các chế độ gió làm mát tại zon làm lạnh sản phẩm. Dự án đã sản xuất được 120 tấn sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn TCVN 7569. Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm cho thấy sản phẩm thử nghiệm trong thực tế có chất lượng tốt hơn xi măng CA50 của Trung Quốc.

Việc triển khai thực hiện dự án hoàn thiện công nghệ sử dụng bùn thải nhà máy nhôm tấm làm nguyên liệu sản xuất xi măng alumin CA50 là bước tiếp theo của đề tài RD113-13 nhằm hoàn thiện công nghệ cần thiết để đủ điều kiện triển khai sản xuất đại trà sản phẩm này trong nước. Sản phẩm mới được tạo ra cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu sản xuất vữa và bê tông chịu lửa, các sản phẩm bê tông đặc biệt khác ở trong nước, chủ động đáp ứng nhu cầu của các sản phẩm trong nước, thay thế và cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, nguyên liệu để sản xuất xi măng alumin chiếm tới gần 50% thành phần là nguồn phế thải từ các ngành sản xuất alumin và nhôm tấm nên đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm môi trường.
 
VLXD.org (TH/ Cục TT KH&CN QG)