Độ chống thấm của tường gạch trần và các phương án xử lý chống thấm

19/08/2024
739Lượt xem
Đặc tính của tường gạch trần là gì?

Bản chất của tường gạch nói chung và tường gạch trần nói riêng được hình thành trên cơ sở liên kết các thành phần nhỏ (viên gạch) lại với nhau bằng các chất kết dính như: vữa, xi măng... thông qua công việc xây - trát của người thợ.

Đặc tính của tường gạch trần là bề mặt gồ ghề, không phẳng, dẫn tới khả năng thoát nước / bay hơi nước bề mặt không tốt. Nếu để tường gạch trần tiếp xúc lâu với nước sẽ gây ra tình trạng ẩm bề mặt tường, đặc biệt là ở những chỗ thiếu nắng và gió. Tuy nhiên, đặc tính này gây ra các hiệu ứng tiêu cực hay tích cực tùy vào phương án thiết kế và chỉ định vật liệu của KTS trong từng hoàn cảnh cụ thể.


Bức tường gạch đặc - rỗng đan xen với sự chuyển đổi màu sắc ấn tượng của Boundary House (Ảnh: Hoàng Lê)

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thấm ở tường gạch trần

Tường gạch trần có thấm hay không, phụ thuộc vào cả 3 yếu tố như đã nêu trong bản chất tường gạch, đó là: chất lượng vật liệu (gạch), chất lượng các chất kết dính (vữa, xi măng…), và chất lượng tay nghề của thợ thi công.

Tổng hợp lại, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấm ở tường gạch trần như sau:

- Chất lượng gạch xốp, nhiều lỗ rỗng => Thấm.

- Vữa không đủ cường độ và thiếu chất phụ gia chống thấm (độ xốp cao) => Thấm.

- Thợ xây chất lượng không tốt, mạch vữa không đều, không kín => Thấm.

Các phương án xử lý chống thấm cho tường gạch trần

Muốn chống thấm cho tường gạch trần, đơn giản là phải tìm cách khắc phục những nhân tố gây thấm. Có 4 cách chống thấm cho tường gạch trần, gia chủ có thể tham khảo và lựa chọn như sau:

Thứ nhất, không để nước có cơ hội tiếp xúc với tường gạch. Gia chủ có thể xây tường gạch trần trang trí trong nhà. Nếu xây tường gạch trần ở những vị trí tiếp giáp với không gian ngoài trời, gia chủ nên sử dụng mái hiên, mái vẩy… để hạn chế nước mưa gây ẩm, thấm cho tường gạch.

Thứ hai, nên sử dụng gạch tốt, gạch có cường độ cao, độ xốp nhỏ, vữa và xi măng (hoặc keo) có trộn chất phụ gia chống thấm. Quan trọng hơn cả là nên thuê đội ngũ thợ thi công lành nghề, tránh phải xử lý các tình huống phát sinh không mong muốn.


Tường gạch trần bao quanh nhà, được thiết kế đan xen với khu vườn nhỏ trước hiên bên trong T House (Ảnh: Hoàng Lê)

Thứ ba, sử dụng chất chống thấm, ngăn thấm nước từ bên ngoài. Đơn giản nhất là trát vữa và sơn phủ bề mặt. Giải pháp này giúp tường gạch trần không bị đọng nước, hạn chế khả năng thấm nước tối đa.

Nếu nhất định phải xây tường gạch trần, gia chủ có thể phun hóa chất chống thấm. Đây là biện pháp “mặc áo mưa trong suốt” cho tường gạch, tuy nhiên, hiệu quả mang lại sẽ không thực sự triệt để,

Thứ tư, chấp nhận hiệu ứng thấm nước của tường gạch trần. Gia chủ có thể biến điều này thành ưu điểm thẩm mỹ bằng cách: tăng độ ẩm không khí ở những chỗ nóng, tạo môi trường cho các loại cây xanh phát triển như: cây leo, cây vẩy ốc… Trang trí thêm tiểu cảnh, bể cảnh, non bộ để làm đẹp thêm cho không gian sống.

Thêm một lưu ý khác cho tường gạch trần, đó là về bản chất, cường độ chịu lực của vữa không bao giờ bằng chính viên gạch. Vì vậy, khi có biến động địa chất (lún, động đất...), tường gạch trần sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Nhẹ thì nứt, nặng thì bị phá hủy.

Bởi vậy, tường gạch thường được sử dụng cùng bê tông cốt thép hoặc thép để gia cố độ chịu lực. Tường gạch bị nứt sẽ khiến khả năng ẩm, thấm nhanh hơn. Cách tốt hơn hết vẫn là đừng để tường gạch trần tiếp xúc với nước, nếu thực sự không muốn bị ẩm và thấm.

VLXD.org (TH)