EU sắp công bố điều kiện đầu tư xanh đối với lĩnh vực sản xuất xi măng

26/04/2021
1031Lượt xem

Hãng tin Reuters mới đây công bố một tài liệu cho thấy Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra một loạt điều kiện buộc các ngành giao thông vận tải, công nghiệp và xây dựng phải đáp ứng để có thể được phân loại vào danh mục đầu tư bền vững ở châu Âu.

 

Bên cạnh đó, EU vẫn chưa quyết định liệu có nên gắn nhãn “xanh” cho khí đốt và điện hạt nhân hay không.

Theo tài liệu trên, “phân loại tài chính bền vững” của EU là một danh sách dài các hoạt động kinh tế và các quy định mà các ngành phải đáp ứng để được dán nhãn là đầu tư bền vững vào EU từ năm 2022.

Quy định mang tính bước ngoặt này nhằm mục đích làm cho các hoạt động “xanh” trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo rằng nhãn đầu tư bền vững chỉ được cấp cho các hoạt động kinh tế tuân thủ các mục tiêu về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của EU. Bản dự thảo các quy định này không đề cập đến khí đốt tự nhiên.

Các quốc gia châu Âu đang bị chia rẽ về việc liệu các nhà máy nhiệt điện khí có nên được coi là “xanh” hay không, và Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch giải quyết vấn đề nhiên liệu, cùng với điện hạt nhân, trong một đề xuất riêng vào cuối năm nay hay không.

Dự thảo quy định về “gắn nhãn xanh” bao gồm các định nghĩa chi tiết về những gì được coi là đầu tư bền vững trong các lĩnh vực khác nhau trong đó có giao thông vận tải, sản xuất năng lượng từ các nguồn như gió và thủy điện, cải tạo tòa nhà và sản xuất xi măng, thép và pin.

Chẳng hạn như, lượng phát thải tại các nhà máy xi măng phải dưới mức 0,72 tấn CO2 tương đương với mỗi tấn xi măng xám được sản xuất.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất ô tô từ nay cho tới cuối năm 2025 sẽ được coi là đầu tư bền vững nếu các phương tiện này thải ra ít hơn 50g CO2 mỗi km.

Sau thời điểm 2025, chỉ hoạt động sản xuất ô tô không phát thải mới được gắn nhãn xanh.