Giá vật liệu tăng cao: Nhà thầu gặp khó doanh nghiệp VLXD hưởng lợi

19/08/2021
1190Lượt xem

Một thực tế đang cần ngành chức năng làm rõ, đó là nhà thầu xây dựng kêu trời vì giá vật liệu xây dựng liên tục nhảy múa với mức tăng khoảng 40% trở lên trong khi nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng lãi khủng.

 

Ghi nhận quanh khu vực TPHCM cho thấy, giá thép tăng liên tục nên các cửa hàng bán vật liệu xây dựng (VLXD) phải báo giá với khách hàng 2 ngày/lần, thay vì trước đây thời gian luôn ổn định trong tuần, tháng hoặc quý. Đơn cử, thép cuộn có giá trên dưới 12.000 đồng/kg thời điểm trước tháng 7/2020, nhưng đến cuối tháng 4/2021 giá đã lên trên dưới 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Trong tháng 4, giá thép có ít nhất 4 lần nhảy múa với chiều hướng đi lên. 

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá thép tạm thời không tăng đột biến như tháng 4. Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, giá thép chỉ tăng tối đa đến hết quý 2/2021. Nhưng với những gì đang diễn ra ở thị trường sắt thép thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU... dự báo đã được VSA thay đổi, thời gian thép có thể tăng giá là hết quý 3/2021.

Giá thép và một số VLXD như xi măng tăng đã khiến các nhà thầu chúng tôi không kịp trở tay, gặp rất nhiều khó khăn. Hiện với những công trình đã ký kết chúng tôi phải cố gắng đàm phán, thương lượng với chủ đầu tư để điều chỉnh giá. Nếu không thương lượng được cũng phải làm để giữ uy tín công ty. Chỉ những hợp đồng mới, công ty mới điều chỉnh giá thầu tăng lên theo giá VLXD tăng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Đạt Thành (quận 12) Mai Đại Khoát cho biết. 
 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, thông thường chi phí thép chiếm 20% trong tổng chi phí xây dựng công trình nên khi giá thép tăng 40 - 45% thì giá thành xây dựng bị “đội” lên rất cao. Chưa kể, không chỉ thép, giá các nguyên vật liệu khác như xi măng, gạch xây, gạch ốp… cũng tăng dẫn đến ngành xây dựng khốn đốn. Nhà thầu xây dựng bị đẩy vào tình thế vô cùng gay go khi giá thép tăng thế này, ông Hiệp chia sẻ. 

Ở góc độ nhà đầu tư, một số nhà đầu tư cho biết đang xem xét việc điều chỉnh giá công trình xây dựng. Tùy từng kết cấu công trình, giá công trình có thể tăng quanh mức 20%. 

Mặc dù giá thép tăng cao nhưng ghi nhận thị trường cho thấy, lượng thép hiện nay không thiếu, nguồn cung vẫn dồi dào. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, giá thép tăng có thể do giá nhập khẩu nguyên vật liệu như phôi tăng. Để tìm rõ nguyên nhân, hiện VACC đã kiến nghị Chính phủ kiểm tra làm rõ nguyên nhân vì sao giá thép tăng đột biến như hiện nay trong khi giá điện và giá các chi phí sản xuất đầu vào không tăng?!

Theo phân tích của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, đà tăng giá thép không chỉ đến từ giá nguyên vật liệu như phôi tăng cao mà còn do thiếu nguồn cung, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Bởi 10 năm qua, các nước phát triển không vận hành lò cao sản xuất thép, chỉ còn lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường. Điều này dẫn đến nguồn cung không còn dư thừa như khoảng thời gian trước; trong khi nhu cầu Thế giới tăng cao cho mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. 

Hiện nay, để đón đầu cơ hội, nhiều doanh nghiệp thép đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cao công suất sản xuất. Đơn cử, thương hiệu Thép Nam Kim lên kế hoạch đầu tư kho hàng cho thị trường nội địa và xây nhà máy ống thép trên diện tích 5ha tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Hay Tập đoàn Hòa Phát đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022 với tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án có công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, gồm 4,6 triệu tấn thép dẹt (HRC), 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao. 

Trong một diễn biến trái chiều với các nhà thầu xây dựng, hầu hết doanh nghiệp thép đồng loạt báo cáo lợi nhuận quý 1-2021 đạt mức kỷ lục, gấp nhiều lần cùng kỳ. Như Thép Hòa Phát lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; Tôn Hoa Sen lãi 1.035 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; Thép Nam Kim lãi 319 tỷ đồng, gấp 7,7 lần… Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đánh giá quý 2, thị trường thép tiếp tục khả quan, xu hướng thép tăng giá diễn ra trên bình diện toàn cầu vì thiếu cung, giá nguyên liệu tăng. Còn tại thị trường Việt Nam, nhu cầu thép cũng đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ hàng năm nên vẫn rất thuận lợi với ngành thép. 

Trong khi đó, VSA dự báo, trước mắt nhu cầu mặt hàng thép vẫn lớn, song sẽ có sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Liên quan đến nghi vấn có hay không trường hợp “găm hàng, đầu cơ, thổi giá” thép, đại diện Bộ Công thương cho rằng, việc này khó xảy ra ở các doanh nghiệp sản xuất lớn vì kho bãi giới hạn, chi phí, vốn lưu động của ngành thép rất lớn. 

Bộ Công thương nhận định bước đầu, nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào cao. Bởi hiện nay nguyên liệu đầu vào của ngành thép: 90% là nhập khẩu mà chủ yếu là quặng sắt. Tổng công suất sản xuất của các nhà máy trong nước đạt khoảng 14 triệu tấn, trong khi thép sản xuất từ quặng chiếm 60%. Tuy nhiên, hiện Bộ Công thương đã cử quản lý thị trường, VSA theo dõi vấn đề này.

VLXD.org (TH/ SGGP)