Kiến trúc độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa của Sân vận động Quốc gia Nhật Bản

08/08/2021
992Lượt xem
Tại Olympic Tokyo, bên cạnh những cuộc tranh tài gay cấn của hàng chục nghìn VĐV, một điểm nhấn ấn tượng không nên bỏ qua chính là kiến trúc độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa của Sân vận động Quốc gia Nhật Bản.
Năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã quyết định lựa chọn thiết kế của kiến trúc sư Kengo Kuma để xây dựng sân vận động chính phục vụ cho Olympic 2020 tại thủ đô Tokyo bởi những yếu tố đặc biệt liên quan đến kiến trúc xanh, tối giản nhưng cũng không kém phần tinh tế khi lồng ghép các yếu tố văn hóa của Xứ sở hoa anh đào vào trong nghệ thuật kiến trúc. 

Với số vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD, Sân vận động Quốc gia Nhật Bản được hoàn thành vào năm 2019 dưới bàn tay của kiến trúc sư Kengo Kuma cùng các công ty xây dựng Taisei Corporation và Azusa Sekkei.

Sân vận động có thiết kế hình bầu dục với kết cấu chính được làm từ thép và bê tông cốt thép; phần mái che được che phủ bởi nhiều lớp gỗ cây tùng và tuyết tùng. Sân vận động có sức chứa lên đến 68.000 chỗ ngồi và là nơi tổ chức chính các hoạt động khai mạc, thi đấu và bế mạc của Thế vận hội Tokyo 2020.


Sân vận động Quốc gia Nhật Bản được xây dựng tại thủ đô Tokyo.

 
Thiết kế của Sân vận động Quốc gia Nhật Bản được đánh giá là đáp ứng các yếu tố xanh bởi việc ứng dụng vật liệu tự nhiên cũng như tạo lập những không gian xanh ở cả bên trong và ngoài công trình. Gỗ cây là vật liệu chủ đạo trong kiến trúc của sân vận động. Phần mái che được làm từ các lớp gỗ chồng chéo, uốn lượn tạo ra những khoảng hở thích hợp để hút gió và làm mát một cách tự nhiên. Khu vực phòng thay đồ của vận động viên, các băng ghế dài để ngồi nghỉ ngơi, thư giãn cũng được làm từ gỗ, giúp không gian tổng thể mang lại sự ấm áp, gần gũi.

Điều đặc biệt là phía sau chỗ ngồi của khán giả được bao bọc bởi 47.000 cây xanh giúp lưu thông không khí và tạo cảm giác hòa mình vào thiên nhiên. Sân vận động Quốc gia Nhật Bản cũng được thiết kế các bể ngầm thu và chứa nước mưa để tưới cho hệ thống cây xanh đồ sộ của công trình. Bên cạnh đó, năng lượng cung cấp cho hệ thống thiết bị của sân vận động cũng được sử dụng bằng nguồn năng lượng sạch với các tấm pin mặt trời trên mái.

Bên cạnh yếu tố xanh và thân thiện với môi trường, điều khiến thiết kế của kiến trúc sư Kengo Kuma được chọn là bởi nó mang đậm phong cách, văn hóa, kiến trúc của người Nhật. Theo vị kiến trúc sư nổi tiếng cùng các cộng sự, phần mái gỗ là một sự sáng tạo đương đại lấy cảm hứng từ phần mái hiên nhô ra bên ngoài ở những công trình kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Những thanh gỗ đan xen chắc chắn thể hiện tư duy và trí tuệ của người Nhật, đồng thời cũng mang đậm phong cách của Kengo Kuma - luôn hướng về sự giao hòa giữa truyền thống và hiện đại, giúp con người thoát ra khỏi những khối bê tông.

Bên cạnh đó, gỗ tuyết tùng và gỗ tùng cũng đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản. Đối với kiến trúc truyền thống của người Nhật, gỗ là vật liệu không thể thiếu và không thể thay thế. Nó đại diện cho sự trầm mặc, kiên trì, bền bỉ của người Nhật và là vật liệu kết nối văn minh loài người với thế giới tự nhiên. Gỗ sử dụng trong xây dựng sân vận động quốc gia được chuyển từ 46 tỉnh của Nhật Bản, do đó, những khối gỗ của công trình này cũng đại diện cho tình đoàn kết của cả một dân tộc. Kiến trúc sư Kengo Kuma còn tỉ mỉ mời những người thợ am hiểu về chất liệu gỗ của địa phương mình đến để tham gia hoàn thiện công trình mang tầm cỡ quốc gia này. 


Phần mái che mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của Nhật Bản.

Trước khi được xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc sư Kengo Kuma và cộng sự, Sân vận động Quốc gia Nhật Bản cũng vướng phải một số tranh cãi xoay quanh thiết kế của nó. Đã từng có một bản thiết kế của kiến trúc sư người Anh gốc Iraq - Zaha Hadid thắng thầu dự án cải tạo sân vận động quốc gia của Nhật, nhưng sau đó Chính phủ nước này đã phải dừng dự án bởi các lý do liên quan đến chi phí và thẩm mỹ.

Ngoài ra, ngay cả khi đã bắt đầu được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Kengo Kuma, Sân vận động Quốc gia Nhật Bản vẫn vướng phải nhiều tranh cãi liên quan đến việc chặt phá một lượng lớn gỗ để xây dựng, trong khi Olympic Tokyo 2020 được hứa hẹn là “Olympic xanh nhất lịch sử”.

Toàn bộ khu vực chỗ ngồi đều được che chắn.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực và sự đầu tư công sức của Nhật Bản trong việc chuẩn bị một sân vận động tầm cỡ cho sân chơi thi đấu thể thao lớn nhất hành tinh. Sân vận động Quốc gia vẫn xứng đáng là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa của người Nhật và là một món quà chào đón các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đến tranh tài tại Xứ Phù tang. Nơi này sẽ trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động thể thao văn hóa của Nhật Bản khi Olympic kết thúc và cũng sẽ sớm trở thành biểu tượng cho trí tuệ minh triết, tư duy sáng tạo trên nền tảng truyền thống và giao hòa với tự nhiên của người Nhật.

VLXD.org (TH/ Dezeen)