MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

14/09/2020
1171Lượt xem

Phát triển bền vững, ngày nay, không còn là khẩu hiệu, là cái cửa tương lai mà là một hiện hữu trong đời sống hàng ngày, là mơ ước của toàn nhân loại. Thế nhưng, bối cảnh để mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt xã hội, môi trường đô thị…đang đặt ra nhiều rào cản trước khi loài người đi đến sự phát triển bền vững.

Sống trong đô thị hay làng mạc con người mơ ước có không khí trong lành, có nguồn nước sạch, không rác thải, phế thải. Môi trường sản xuất cần công nghệ sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, nhiên liệu, ít năng lượng, tiết kiệm trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí sử dụng phế thải, rác thải của ngành khác làm  nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất của chính doanh nghiệp mình. 

Với những ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có vật liệu xây dựng nhiều giải pháp công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng đến phát triển bền vững đồng thời cũng mang hiệu quả kinh tế. Đây cũng là một trong những động lực để vật liệu xây dựng Việt Nam không ngừng phấn đấu, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đã từ nhiều năm trước đây, các lò nung vật liệu xây dựng đã dùng giải pháp thu giữ nhiệt thải cuối lò nung để sản phẩm mộc trước khi đưa vào lò nung. Nhiệt thừa lò nung nung xi măng, trước đây cũng được sử dụng lạ một phần để sấy nóng nguyên liệu trong máy nghiền liệu, ngày nay được sử dụng rộng rãi trong việc tái sử dụng để chạy máy phát điện.

Xu hướng phát triển công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng đang diễn ra theo hướng công nghệ tuần hoàn, công nghệ rất ít phế thải, nghĩa là hướng đến phát triển bền vững. Xu hướng chỉ đạo này nhận được sự hưởng ứng rộng rãi một phần do đòi hỏi của thời đại, tính cấp thiết mang tính toàn cầu, đồng thời nhiều giải pháp công nghệ mang lại lợi ích kép vừa thân thiện môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, vật liệu xây dựng Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ do nhu cầu phát triển bền vững mang lại.

Trước hết là nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao việc bảo vệ môi trường nói đúng hơn là công nghệ thân thiện môi trường. Đây là nhu cầu vừa cấp thiết, vừa là khát khao cháy bỏng của doanh  nghiệp nhưng “lực bất tòng tâm”. Trong đó, thiếu nguồn lực tài chính là rào cản lớn nhất, bên cạnh đó là sự bất cân đối cung - cầu trên thế giới, trong khu vực và ngay tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo xu thế thế giới, phí môi trường đánh vào sản xuất công nghiệp ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với việc tăng giá thành sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu. Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay đang là ngành hàng sản phẩm xuất khẩu đi hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả đến các nước công nghiệp phát triển. Phí môi trường hiện nay được chia ra nhiều loại, rất có thể phí sẽ chồng phí. Trước đây phí môi trường đánh chung cho một nhà sản xuất, không phân biệt, tách bạch chất thải khí, chất thải rắn, chất thải lỏng.

Gần đây, Chính phủ Đức đã phê chuẩn chế độ thu phí khí thải CO2 lên đến 35 Euro/1 tấn CO2. Ở Việt Nam hiện nay, Chính phủ đang dự kiến thu phí khí thải CO2 theo kiểu CDM cho rừng. Coi rừng là đối tượng thu giữa CO2 từ khí thải công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp xi măng, nhiệt điện. Đồng thời với việc thu phí môi trường cho việc thu giữ CO2 của rừng, Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định thu phí khí thải của các ngành công nghiệp, trong đó có ngành xi măng.

Vật liệu xây dựng Việt Nam rất tự hào về những bước phát triển trong thời gian qua, tự hào về sự phấn đấu mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức, rất cần sự cố gắng của doanh nghiệp và chính sách đúng đắn, hợp lý, có lộ trình của Nhà nước. 

(Nguồn: VLXD.org)