Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có triển vọng tươi sáng nhờ gói 135.000 tỷ đồng cho hạ tầng

10/02/2022
937Lượt xem
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra những ưu tiên của Chính phủ trong chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, phần chi dành cho đầu tư hạ tầng ước đạt 135.000 tỷ đồng. VDSC cho rằng điều này mang đến kỳ vọng tích cực đối với hoạt động của ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.

VDSC đề cập đến ưu tiên thúc đẩy đầu tư công trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó, với phần vốn đầu tư công năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022, dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022, và phần chi thêm cho đầu tư cơ sở hạ tầng từ gói kích thích và phục hồi phát triển kinh tế, tổng quy mô chi đầu tư công của năm 2022 ước khoảng 660.000 tỷ đồng (8% GDP).

Giả định tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 85% thì áp lực giải ngân vốn đầu tư công của năm nay vẫn rất lớn vì tăng trưởng hơn 53% so với mức thực hiện của năm 2021.

Tính chung giai đoạn 2022 - 2023, phần chi dành cho đầu tư hạ tầng ước đạt 135.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn sẽ tập trung vào đầu tư hạ tầng giao thông và y tế cơ sở. VDSC cho rằng điều này mang đến kỳ vọng tích cực đối với hoạt động của ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, giải pháp kích cầu tiêu dùng cũng là điểm nhấn nổi bật. Trên cơ sở bội chi ngân sách dự kiến cho từng năm 2022 và 2023, xét riêng năm 2022, VDSC ước tính gói hỗ trợ sẽ dành một nửa để chi hỗ trợ nền kinh tế dưới hình thức giảm thuế, phí (51.400 tỷ đồng), trong đó chủ yếu là giảm thuế VAT từ 10% về 8% đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ có loại trừ một số ngành nghề.

Chính sách giảm thuế VAT dự kiến có hiệu lực từ 1/2/2022 đến 31/12/2022. Phần còn lại (51.400 tỷ đồng) sẽ được giải ngân phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng và gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp và hỗ trợ lãi suất/cho vay ưu đãi an sinh, xã hội và việc làm.

Giả sử Chính phủ chỉ giải ngân 1/2 gói cấp bù lãi suất trong năm 2022 (20.000 tỷ đồng), phần chi tăng thêm cho cơ sở hạ tầng của năm nay ước chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.

Dù tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 cho thấy dấu hiệu hồi phục, nhưng lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng vẫn chịu tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch (tăng trưởng âm 2,8% so với cùng kỳ trong quý IV/2021). Do đó, Công ty cho rằng giải pháp kích cầu tiêu dùng được coi là điểm nhấn quan trọng của chương trình kích thích và phục hồi kinh tế, quy mô tương đương 1% tổng giá trị doanh thu bán lẻ và hàng hóa của năm 2021.

VLXD.org (TH)