Dựa trên cơ chế tự chữa lành vết thương của con người, các nhà khoa học Mỹ đã sáng chế ra loại bê tông có thể tự vá các vết nứt. Với tốc độ xây dựng nhanh đến chóng mặt như hiện nay, việc duy tu sửa chữa các công trình xây dựng bằng bê tông trở thành một bài toán khó vì tốn rất nhiều công sức và thời gian lao động.
Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học ở Đại học Binghamton, thành phố New York và Đại học Rutgers, bang New Jersey (Mỹ) đã phối hợp nghiên cứu sản xuất loại bê tông có thể tự vá các vết nứt. Theo đó, họ dùng bào tử nấm Trichoderma Reesei (có bổ sung thêm các dưỡng chất) trong quá trình phối trộn sản xuất bê tông. Khi bê tông đông cứng, các bào tử nấm sẽ "ngủ đông" do không còn nguồn không khí và nước để chúng sinh sôi hoạt động.
Nhưng khi có một vết nứt, dù rất nhỏ trên bề mặt bê tông làm không khí và hơi nước lọt vào, lập tức các bào tử nấm sẽ thức dậy và bắt đầu nẩy mầm, phát triển và sản xuất ra carbonat canci (calcium carbonate - CaCO3) để "vá" vết nứt.
Khi vết nứt đã liền lại, nấm sẽ lại trở về trạng thái bào tử và tiếp tục ngủ đông cho đến khi có vết nứt khác xuất hiện.
Dù vẫn còn trong giai đoạn thí nghiệm, nhưng sáng chế mang tính đột phá này đã cho thấy có hiệu quả rõ rệt và khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất khá cao nhờ chi phí bổ sung bào tử vào bê tông là rất thấp, lại có ưu điểm là không gây ô nhiễm môi trường.
Trong tương lai, sáng chế này sẽ giúp ngành xây dựng giảm được nhiều công sức tiến hành khâu duy tu sửa chữa cực nhọc, đồng thời lại giúp kéo dài tuổi thọ cho nhưng công trình xây dựng.
Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tờ Construction and Building Materials - chuyên san của ngành xây dựng thế giới.
(Theo VLXD.org)