CHẾ TẠO THÀNH CÔNG BÊ TÔNG UỐN CONG CHỊU ĐƯỢC ĐỘNG ĐẤT

12/05/2020
1454Lượt xem

Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne (Úc) đã phát triển một công nghệ mới có thể giúp bê tông “uốn cong” trở thành một vật liệu chủ đạo trong tương lai. Ngoài ra, nhờ tận dụng chất thải của các nhà máy than và sợi tổng hợp nên nó còn có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong tương lai, khi nó được ứng dụng rộng rãi trong ngành vật liệu xây dựng.


Thay vì dùng vật liệu xi măng “Portland” truyền thống, loại bê tông mới này kết hợp với tro bay, là sản phẩm phụ của quá trình đốt than để lấy năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện hoặc nhà máy sử dụng than đốt. Thực ra, việc sử dụng tro để làm bê tông không phải là một kỹ thuật hoàn toàn mới, bởi từ xa xưa các kỹ sư người La Mã cổ đại đã trộn tro núi lửa với vôi sống để tạo ra một loại vật liệu xây dựng đặc trưng của họ, tương tự xi măng hiện nay - đó cũng là một trong những lý do mà một số công trình kiến trúc của người La Mã cổ vẫn còn tồn tại đến ngày nay.


Điều mà nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Swinburne đã làm được là kết hợp sợi polymer tổng hợp vào hỗn hợp bê tông của họ, và tạo ra một quy trình sản xuất mà không cần làm nóng hỗn hợp để xử lý thành phẩm.

Loại bê tông này đem đến lợi ích kép. Đầu tiên, nó thân thiện với môi trường về mặt sản xuất do không cần nung đá vôi để chế tạo xi măng, tiết kiệm tới 36% năng lượng so với quy trình sản xuất vật liệu thông thường. Quá trình này cũng thải ra lượng carbon dioxide ít hơn 76%. Hơn hết, nó là một vật liệu tốt hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi tại Mỹ và nhiều quốc gia trong thời gian tới.


Bên cạnh đó, các sợi polymer bên trong loại bê tông mới cho phép nó duy trì các vết nứt cỡ sợi tóc mà không bị vỡ ra thành các mảnh riêng biệt khi hứng chịu các lực tác động mạnh như động đất. Theo tiến sĩ Behzad Nematollahi, một trong những nhà nghiên cứu đã phát triển bê tông mới này cho biết, loại vật liệu này còn có thể uốn cong gấp 400 lần so với bê tông thông thường, khiến nó trở thành vật liệu lý tưởng để sử dụng ở những nơi thường xuyên xảy ra động đất như Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Theo Engadget, thực ra bê tông uốn cong không phải là một khái niệm mới, trước đó nó từng được tiến sĩ Victor Li, một giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học Michigan (Mỹ) phát minh ra đầu tiên vào đầu những năm 1990 thế kỷ trước. Nhưng việc sản xuất nó đòi hỏi mức giá cao và quy trình sản xuất cũng có nhiều trở ngại. Do vậy, phát minh mới lần này hứa hẹn sẽ tạo ra bê tông uốn cong phổ biến hơn do ít tốn kém hơn và có nhiều ưu điểm thực dụng khác, tuy nhiên việc triển khai rộng rãi có lẽ sẽ còn mất thêm một thời gian nữa.

Bê tông uốn cong

Bê tông thường

(Theo VLXD.org)