Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P5)

28/09/2021
972Lượt xem
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội đổi mới và phát triển.
>> Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P4)

>> Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P3)

>> Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P2)

>> Sự thay đổi về VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (P1)

4. Sự thích nghi của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thay đổi

Trong 11 tháng đầu năm 2018, sản lượng xi măng toàn ngành đã đạt trên 88,5 triệu tấn; vượt xa so với kế hoạch; trong đó tiêu thụ nội địa 59 triệu tấn; xuất khẩu 29,4 triệu tấn. Năm 2018, tổng sản lượng xi măng có thể đạt trên 95 triệu tấn. Theo Global Cement, tính đến tháng 12 năm 2018, Việt Nam đứng thứ 3 Thế giới về công suất lắp đặt sản xuất xi măng, tương đương với 148 triệu tấn mỗi năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tương tự như sản phẩm xi măng, năm 2018, sản suất thép cũng tăng trưởng mạnh và ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa, tiêu thụ nội địa đã tăng 27% và tỷ lệ tiêu thụ chiếm hơn 80%. Trong 9 tháng đầu năm 2018, sản xuất đạt 17.645.918 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2017. Lượng hàng bán ra đạt 15.948.879 tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 3.447.404 tấn, tăng 31,5%.


Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc xuất khẩu xi măng vượt kế hoạch đề ra và sản xuất thép tăng là do nền kinh tế trong nước được duy trì ổn định, đảm bảo sức sản xuất. Mặt khác, Trung Quốc từ một nước xuất khẩu xi măng, đã nhanh chóng cắt giảm sản lượng, và điều này là cơ hội cho các nhà sản xuất xi măng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản đã được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt trong tăng trưởng của ngành.

Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ vào để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Trong sản xuất xi măng, nhờ cải tiến công nghệ, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại mà có thể pha được phụ gia, chất độn với tỷ lệ cao. Trước đây, quá trình nghiền ra xi măng thông thường chỉ pha được 20%, bây giờ đã có thể pha được 35 - 40%, thậm chí lên tới 45%. Tỷ lệ đá vôi, xác núi giảm đi rất nhiều, giảm lượng tài nguyên khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các nhà máy xi măng đã lắp đặt hệ thống khí thải nhiệt dư, có thể hồi lưu tận dụng nhiệt từ khí thải để phát điện, phục vụ nhu cầu của chính nhà máy, giảm tiêu thụ điện, giảm phát thải ra môi trường.

5. Một số giải pháp chính sách cho ngành vật liệu xây dựng ở Việt Nam

5.1. Hoàn thiện cơ chế chính sách

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh sửa đổi các luật, nghị định, thông tư theo hướng thông thoáng về đầu tư nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hàm lượng nguyên, nhiên liệu từ tái chế phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng siết chặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng từ khâu khai thác khoáng sản làm nguyên liệu và các quá trình sản xuất vật liệu xây dựng.

- Ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế, nhiên liệu thay thế; cơ chế quản lý siết chặt đối với sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách tập trung vào việc kiểm soát vốn, năng lực tài chính của chủ đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; kiểm soát khai thác tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, phát điện tận dụng nhiệt khí thải, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường sản xuất vật liệu xây dựng gắn với xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

- Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp vận tải biển nghiên cứu và đầu tư hệ thống vận tải chuyên dùng đủ năng lực vận tải các chủng loại vật liệu xây dựng giữa các vùng trong cả nước.

5.2. Đẩy mạnh công tác điều tra, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm

- Tăng cường triển khai công tác điều tra cơ bản đối với các chủng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đẩy mạnh thăm dò các mỏ khoáng sản theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng.

- Tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và con người. Hình thành các khu vực, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước, khắc phục tình trạng phân bố không đồng đều về nguồn tài nguyên khoáng sản.

5.3. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ

- Đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sản xuất vật liệu xây dựng gắn với xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

- Đầu tư khoa học công nghệ hiện đại cho công nghiệp chế biến nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, đồng thời tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Nâng cao năng lực cơ khí chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng trong nước.

- Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý môi trường sạch hơn, sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế; nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng; nghiên cứu cải tạo nâng cao công suất; nghiên cứu các biện pháp bảo vệ môi trường, sức khỏe và an toàn nghề nghiệp và quản lý năng lượng. Nghiên cứu công nghệ quản lý, khai thác mỏ hiệu quả hơn, ít ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Nghiên cứu công nghệ khai thác, xây dựng quy hoạch khoáng sản có tính đến biến đổi khí hậu.

- Thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các thành tựu nghiên cứu khoa học, các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng mới ở trong nước và thế giới, giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm tiếp thu, nghiên cứu đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất, giảm chi phí nguyên liệu, năng lượng đạt hiệu quả kinh tế cao.
(Còn nữa)
 
(PGS.TS. Lê Trung Thành - Trường ĐH KTQD; ThS. Lê Đức Thịnh - Viện VLXD)
VLXD.org