Tổng hội Xây dựng đề xuất giải pháp điều chỉnh giá thép

02/06/2021
959Lượt xem

Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị giải quyết về biến động bất thường của giá vật liệu xây dựng. Động thái này nhằm phản hồi công văn 1545/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 10/5/2021, về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Đánh giá về biến động giá thép và một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu trong thời gian qua, theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì quý I/2021 giá thép xây dựng trên thị trường đã biến động tăng lớn so với quý IV/2020, mức tăng giá thép phổ biến ở mức từ 30 - 40%. Con số này đã tiến sát mức tăng giá thép bất thường năm 2007. Theo dự báo của một số chuyên gia thì giá thép đã có dấu hiệu chững lại nhưng không có biểu hiện giảm. Bên cạnh biến động giá thép thì giá nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu (như cát, đá, đất đắp…) cũng tăng cao.
 

Giá vật liệu thép tăng đã ảnh hưởng tới giá trị các gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam.

Việc giá thép và vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng của các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng có tỷ trọng chi phí thép xây dựng lớn (như công trình cầu, nhà kết cấu thép, công trình cấp thoát nước…), hợp đồng thực hiện theo hình thức đơn giá cố định và giá hợp đồng trọn gói.

Cụ thể, theo tính toán, đối với gói thầu xây dựng cầu, việc tăng giá thép như hiện nay sẽ làm tăng chi phí của hợp đồng lên trên 6% đối với gói thầu xây dựng cầu bê tông cốt thép, và tăng lớn hơn nhiều đối với gói thầu xây dựng cầu thép, nhà kết cấu thép… Nếu tính tăng giá của các loại vật liệu chủ yếu (cát, dá, đất,…) thì giá hợp đồng sẽ tăng khoảng 10%.

Đối với với các gói thầu ký kết theo giá hợp đồng trọn gói hoặc giá hợp đồng theo giá cố định, mà khi đấu thầu nhà thầu đã giảm giá thì nhà thầu sẽ bị thua lỗ lớn vì lợi nhuận tính trước trong giá chỉ có khoảng 6% giá hợp đồng.

Đối với các hợp đồng ký kết theo đơn giá điều chỉnh mà việc điều chỉnh dựa trên thông báo giá của địa phương, nhưng địa phương thông báo giá không theo kịp bến động của giá thị trường, thông báo giá không kịp thời gì nhà thầu cũng chịu hậu quả tương tự như trên.

Việc biến động bất thường về giá cả của vật liệu xây dựng, theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, đánh giá là do ba nguyên nhân chính, gồm: Nhu cầu sử dụng thép xây dựng trên thế giới và nhu cầu sử dụng thép trong nước của các dự án giao thông lớn tăng cao; Nguồn cung thép của thế giới giảm, đặc biệt là sản lượng sản xuất thép từ Trung Quốc năm 2020 đã giảm tới 40%, trong khi lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 tăng trên 45% so với năm 2020 nên nguồn cung trong nước cũng bị ảnh hưởng; Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép (quặng sắt, thép phế liệu…) tăng cao.

Trong công văn gửi Bộ Xây dựng nêu trên, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp chấn chỉnh tình hình biến động bất thường giá vật liệu xây dựng. Theo đó, giải pháp trước mắt là đối với các hợp đồng đã ký kết theo giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thì Nhà nước và các chủ đầu tư giải quyết theo hướng cho đây là trường hợp bất khả kháng (vì ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu) như năm 2008 mà nhà nước đã xử lý đối với hợp đòng xây dựng sử dụng vốn nhà nước.

Như vậy, cho phép điều chỉnh giá hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định đối với những hợp đồng ký kết trước ngày 1/1/2021 bị ảnh hưởng bởi biến động bất thường của giá thép xây dựng và giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu. Nguyên tắc điều chỉnh là cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Đối với hợp đồng ký kết theo đơn giá điều chỉnh thì bám sát việc điều chỉnh giá theo đơn giá thị trường hàng tháng. Trường hợp, hợp đồng của dự án sử dụng vốn nhà nước mà thông báo giá địa phương không phù hợp hoặc không kịp thời thì kiến nghị địa phương cập nhật giá theo tháng, phù hợp với giá cả thị trường, và được tính giá để bù giá hợp đồng theo giá thị trường. Có chế tài quy định đối với cơ quan nhà nước chậm ban hành thông báo giá.

Ngoài ra, cần có giải pháp để hạn chế xuất khẩu và dự báo tốt nguồn cung, nhu cầu đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước.

Về giải pháp lâu dài, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nhà nước cần đưa vào pháp luật trường hợp biến động giá bất thường nằm ngoài tầm kiểm soát (làm cho giá hợp đồng tăng trên 10% bao gồm cả dự phòng) thì được xử lý là trường hợp bất khả kháng, các bên xử lý trên nguyên tắc chia sẻ, hài hòa lợi ích, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu của dự án. Và nên có chỉ đạo, hướng dẫn về cơ chế hình thành, sử dụng và quản lý “Quỹ Bình ổn giá thép” như xăng dầu. Còn khi thị trường giá vật liệu xây dựng không ổn định, có thể biến động bất thường do cung thiếu, hoặc cầu lớn thì can nhắc việc ký kết hợp đồng theo đơn giá trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định.

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/gia-thep-bien-dong-bat-thuong-tong-hoi-xay-dung-de-xuat-giai-phap-kim-cuong-28823.html)
 
VLXD.org