Tổng quan kinh tế trong nước và Thế giới

26/10/2021
1005Lượt xem
Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả vô cùng to lớn, nặng nề và sâu rộng tới hầu hết các nền kinh tế, và dự báo còn kéo dài. Việc ứng phó và khắc phục khó có thể nhanh chóng theo kỳ vọng của nhiều Chính phủ.
1. Kinh tế Thế giới

Sau gần hai năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những tín hiệu hồi phục trở lại trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đang dần được kiểm soát cộng với những bước tiến trong hoạt động tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế để mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với không ít rào cản, khiến xu hướng hồi phục trở nên mong manh và khó lường.
 


Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 10/2021, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo trong tháng 7/2021, và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%. Theo đánh giá của IMF, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép tăng giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.

Hiện sự thiếu hụt nguồn cung và giá hàng hoá tăng trở lại khiến lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, tình trạng phân phối vaccine không công bằng đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế và gây ra triển vọng kém khả quan tại các nước đang phát triển.

Đối với các nền kinh tế chủ chốt, IMF đã điều chỉnh giảm tăng trưởng của kinh tế Mỹ và Trung Quốc xuống lần lượt 6% và 8% trong năm 2021, thấp hơn so với mức dự báo 7% và 8,1% trong báo cáo trước đó. Ngoài ra, Nhật Bản và Đức, nền kinh tế lớn thứ 3 và 4 thế giới sẽ tăng trưởng chỉ 2,4% và 3,1% - giảm từ mức 2,8% và 3,6%. Trong khi đó, tính chung dự báo tốc độ tăng trưởng của cả khu vực Eurozone được nâng từ 4,6% lên 5%.

Riêng trong tuần qua, các số liệu vĩ mô mới công bố tiếp tục cho thấy một số tín hiệu tích cực của các nền kinh tế chủ chốt. Tại Mỹ, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 194.000 việc trong tháng 9/2021, sau khi ghi nhận mức tăng tương ứng 366.000 việc làm trong tháng 8/2021. 

Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với mức dự kiến 500.000 việc làm nhưng đã đủ để góp phần kéo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021 giảm mạnh xuống 4,8% từ mức 5,1% trong tháng trước, đánh dấu lần đầu tiên con số này ở mức dưới 5% kể từ tháng 3/2020. Mức tiền lương bình quân theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 9/2021 cũng tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 0,4%. Số lượng việc làm tăng, tiền lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, đây là những kết quả thể hiện sự phục hồi của thị trường lao động và là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế Mỹ đang có những tiến triển tốt. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9/2021 tại Mỹ tiếp tục tăng 0,4% so với tháng trước và tăng tới 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Diễn biến này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu giảm dần các biện pháp kích thích vào tháng tới và có thể điều chỉnh tăng lãi suất vào giữa năm 2022.

Tại Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu bất ngờ tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu tăng tốc, bất chấp sức ép đối với các nhà máy từ tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung và sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong nước. 

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 9/2021 đã tăng tới 25,6% so với tháng trước và tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, chênh lệch đáng kể so với mức dự báo chỉ tăng 21% trước đó. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2021 tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa thặng dư thương mại trong tháng 9/2021 đạt 66,76 tỷ USD, cao hơn mức ước tính 46,8 tỷ USD và mức thặng dư 58,34 tỷ USD trong tháng trước đó. Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc cũng ghi nhận diễn biến tích cực với chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ theo tính toán của Markit/Caixin đã tăng từ 46,7 điểm trong tháng 8/2021 lên 53,4 điểm trong tháng 9/2021.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng về điện năng cộng với sức ép chi phí đầu vào tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 9/2021 của nước này đã tăng tới 10,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất từ tháng 10/1996 đến nay, chủ yếu là do giá than nhiệt tăng lên mức cao kỷ lục. 

Trong bối cảnh này, nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ sớm ban hành các chính sách kích thích hơn nữa trong quý IV/2021, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

2. Kinh tế trong nước

Trong lĩnh vực ngoại thương, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9/2021 đạt thấp hơn so với mức dự kiến trước đó. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2021 chỉ đạt 27,03 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. 

Mặc dù vậy, nhờ đạt mức tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2021 nên tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn đạt 240,63 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 243,18 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, cán cân thương mại trong tháng 9/2021 đã quay về trạng thái thặng dư sau 5 tháng liên tiếp thâm hụt, với mức xuất siêu đạt 360 triệu USD, góp phần thu hẹp mức thâm hụt trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống còn 2,13 tỷ USD. 

Trong quý cuối năm 2021, cùng với việc khai thác hiệu quả các FTA và nhu cầu thị trường tăng cao theo chu kỳ hàng năm, kỳ vọng dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ được kiểm soát tốt, là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đưa cán cân thương mại trở lại trạng thái cân bằng.

Trong khi đó, diễn biến kém tích cực của kinh tế trong nước trong quý III vừa qua là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 2 - 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,8% được WB đưa ra trong tháng 9/2021. 

Theo WB, việc vận hành trở lại của nền kinh tế sau khi gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ. Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics, WB nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Trong bối cảnh đó, các đơn vị sản xuất công nghiệp và xây dựng, nhất là các nhà xuất khẩu, cần bám sát diễn biến liên quan, để tránh bị độ, tận dụng các cơ hội và có dự phòng ứng phó với các bất lợi có thể xảy ra.
 
Theo Thông tin Công nghiệp và Thương mại - BCT