WWF HỖ TRỢ QUẢN LÝ KHAI THÁC CÁT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

05/11/2020
1077Lượt xem

Vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã làm việc với các sở, ban, ngành của thành phố Cần Thơ về Dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công – tư trong khai thác cát bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”

   

Đại diện WWF cho biết, dự án được thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2023 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án có 4 nội dung cần thực hiện là: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng về tổng lượng trầm tích; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về tác động của việc khai thác cát không bền vững, làm gia tăng thiên tai cho khu vực; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát bền vững.

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, thành phố có 13 khu vực khai thác cát san lấp với tổng diện tích 634 ha với trữ lượng gần 14 triệu m3.

Đến năm 2030, tổng diện tích cho phép khai thác cát giảm còn 588 ha với trữ lượng gần 10 triệu m3. Trong đó, 10 mỏ tiếp tục khai thác và 3 khu vực thăm dò khai thác mới. Tất cả các vị trí thăm dò và khai thác đều nằm trên sông Hậu đoạn qua địa phận thành phố.

Theo WWF, lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ bồi tụ trung bình hàng năm từ 0,3 - 1,8 mm và là đối trọng duy nhất chống lại sụt lún và mực nước biển dâng.

Các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do các đập thủy điện và khai thác cát.

Trong khi đó, việc khai thác cát không có kiểm soát để phục vụ nhu cầu xây dựng làm gia tăng sụt lún và các tác động khác như sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn.
Cùng với đó, hợp tác công tư trong khai thác cát còn hạn chế và quy định lỏng lẻo trong khai thác đã dẫn tới tỷ lệ khai thác cao hơn khả năng tự bổ sung của sông Mekong.
Bà Trịnh Thị Long, Quản lý Dự án của WWF tại Việt Nam cho biết, Dự án của WWF sẽ thúc đẩy sự tham gia và đối thoại giữa các chủ thể chính trong ngành xây dựng Việt Nam, cung cấp thông tin về các rủi ro liên quan đến khai thác cát sỏi và cơ hội tìm nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sỏi tại Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Qua đó, WWF mong muốn sẽ đem lại một tác động cụ thể, đó là góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương về kinh tế-xã hội cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, một chiến dịch truyền thông về tác động của việc khai thác cát sỏi không bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được WWF thực hiện nhằm thúc đẩy hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề.

(Nguồn: VLXD.org)