BÊ TÔNG KHÔNG TRÁT - GIẢI PHÁP TRÁNH BONG TRÓC MẶT NGOÀI

16/10/2020
2457Lượt xem

Hiện nay, có nhiều chung cư cao tầng tại Hà Nội bị bong tróc lớp vữa trát mặt ngoài, khiến cho nước mưa có thể thấm qua tường, gây ẩm mốc và bong tróc các lớp vữa, sơn ở phía trong, làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến môi trường sống của người sử dụng.

Các nguyên nhân chính gây bong tróc lớp vữa trát mặt ngoài công trình ta có thể kể đến như sau:

-  Sử dụng các sản phẩm sơn kém chất lượng(hoặc sơn không đúng quy trình của nhà sản xuất): Đối với nguyên nhân này, sau một thời gian sử dụng mà không có bảo trì, các lớp sơn này bị bong ra làm cho lớp vữa trát bị thấm nước và dần bị phá hủy, bong tróc.

-  Cốt thép bị xâm thực: Ở một số công trình, do chiều dày lớp bảo không đảm bảo, và bị ẩm ướt, cốt thép và các chi tiết thép trong tường bị xâm thực, rỉ sắt nở ra làm bong vữa trát và lớp bê tông bảo vệ.

-  Không xử lý bề mặt trước khi trát: Khi bề mặt cần trát không bằng phẳng và không có độ nhám cần thiết thì lớp trát rất dễ bị bong tróc. Khi lớp vữa trát quá dầy hoặc quá mỏng cũng sẽ dễ bị bong tróc. Trong các trường hợp này ta cần đóng lưới trước khi trát, tại các bề mặt không có độ nhám thì cần xử lý nhám trước khi trát.

-  Cấp phối vữa trát không đúng, không đều, kích thước cốt liệu không phù hợp: Có thể nói đây là một vấn đề khó kiểm soát đối với các phương pháp thi công hiện nay ở Việt nam. Khi dùng vữa xi măng cát, nếu cho quá nhiều xi măng thì lớp vữa sẽ co ngót nhiều sinh ra nứt, nước sẽ thấm vào và dần phá hủy, còn khi cho ít xi măng thì vữa lại không đảm bảo cường độ và sẽ tự bong ra sau một thời gian sử dụng. Ngoài ra chất lượng cốt liệu cũng là vấn đề khó kiểm soát, từ thành phần hạt đến độ sạch của cốt liệu.

-  Trát không đúng quy trình: Trước khi trát cần vệ sinh bề mặt, tạo độ nhám, tưới ẩm và đóng lưới tại các vị trí cần thiết. Lớp trát dầy phải được trát thành nhiều lớp trát mỏng (từ 5 - 8mm); sau khi trát lớp trước, cần dùng biện pháp tạo nhám để tăng dính bám với lớp sau, khi lớp trước se mặt mới được trát lớp sau.  Sau khi trát phải có biện pháp bảo dưỡng lớp trát tùy vào từng điều kiện thời tiết cụ thể.

-  Không có giải pháp tương thích về giãn nở: Mỗi loại nền trát thì có một hệ số giãn nở nhiệt khác nhau, vì vậy cần thiết kế chi tiết cấp phối từng lớp vữa trát để phù hợp với nền trát. Có thể nói đây là vấn đề rất khó và phức tạp. Ngoài ra để giảm ảnh hưởng của sự tương thích về giãn nở cũng như sự biến dạng của kết cấu công trình ta cần bố trí các khe co giãn cho lớp vữa trát.

Tường bao quanh các công trình ở Nhật bản chỉ sử dụng kết cấu bê tông, và để tránh bong tróc cũng như loại bỏ các nguyên nhân nêu trên, hầu hết các công trình đều sử dụng giải pháp bê tông không trát (trừ một số công trình có bề mặt trát trang trí đặc biệt).

Các cấu kiện bê tông cốt thép ở mặt ngoài công trình sẽ được đổ dày thêm từ 15~25mm thay cho lớp vữa trát, sau đó được bả bằng hỗn hợp vữa xi măng polymer dày từ 1 - 2mm rồi mới hoàn thiện sơn hoặc dán gạch, ốp đá. Lớp vữa xi măng polymer này vừa có tác dụng chống thấm vừa có tác dụng tạo phẳng cho công tác hoàn thiện sau đó.

Một vấn đề lớn đối với bê tông không trát là làm sao để thi công với độ chính xác cao và có được bề mặt phẳng giống như mặt phẳng trát mà không phải mài đục hay chỉnh sửa nhiều? Đó chính là giải pháp ván khuôn cho bê tông không trát mà Nhật bản vẫn sử dụng từ bấy lâu nay.

Đối với ván khuôn cột, dầm và tường, Nhật bản dùng các tấm ván khuôn phủ phim chất lượng cao dày 12 - 15mm có khung gỗ gia cường xung quanh. Việc sử dụng khung gỗ này giúp cho việc liên kết giữa các tấm và giữa tấm ván khuôn với thanh gỗ chân cơ của cột, vách được linh động, dễ dàng.

Một nhân tố quan trọng trong ván khuôn bê tông không trát là thanh giằng ván khuôn dùng một lần. Ở Nhật bản, người ta sử dụng một số loại thanh giằng ván khuôn chủ yếu như hình vẽ bên dưới. Các thanh giằng này không chỉ có tác dụng chống phình mà còn có tác dụng chống móp để đảm bảo kích thước cấu kiện chuẩn xác nhất.

Một điểm cần lưu ý đối với bê tông không trát ở mặt biên công trình đó là khả năng cách nhiệt. Khi sử dụng bê tông không trát, khả năng hấp thụ nhiệt và truyền nhiệt sẽ lớn hơn, do đó ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả của công trình. Ở Nhật bản, phía mặt trong kết cấu bê tông tiếp xúc với mặt biên công trình đều được xử lý cách nhiệt bằng foam urethane dày từ 20 - 40mm.

(Nguồn: VLXD.org)