CÁT SỎI ĐANG DẦN TRỞ THÀNH NGUỒN TÀI NGUYÊN KHAN HIẾM

15/06/2020
1245Lượt xem

Nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình, tạo dựng các đô thị đang cần một lượng cát khổng lồ. Nhưng do phát triển vượt tầm kiểm soát của Nhà nước, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm. Bởi nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái phép hình thành và phát triển với quy mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên.

Việc khai thác cát diễn ra tràn lan một thời gian dài tại nhiều địa phương trên cả nước đã và đang để lại những hậu quả nặng nề. Đó là tình trạng đảo lộn môi trường xung quanh các dòng sông, sụt lún, sạt lở đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn thủy hải sản giảm sút…

Những năm gần đây, nhiều con sông từ Bắc chí Nam của nước ta bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, chưa có giải pháp gì hữu hiệu để chống đỡ. Nếu tình trạng khai thác cát trái phép không thuyên giảm, để mọi nơi ào ạt khai thác cát thì mức độ sạt lở ở các con sông sẽ tệ hại tới mức nào. Hàng ngàn héc-ta đất màu mỡ đã và đang trôi ra biển!

Các thành phố không thể tự có vật liệu để xây nên những khối vật chất khổng lồ như các tòa cao tầng, đường, cầu, hạ tầng các loại... Khối vật chất thành phố càng lớn, càng tiêu thụ nhiều vật liệu thì sẽ làm nghèo, cạn kiệt tài nguyên và lấy đi những cơ hội phát triển từ các vùng quanh nó.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nhận thức những tiêu cực từ việc khai thác cát, thì ở Việt Nam, tình trạng này vẫn tràn lan với nhiều biến tướng nguy hiểm. Các nhà quản lý, các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo rằng việc buông lỏng quản lý khai thác tài nguyên cát sỏi sẽ là “tai họa thì vô cùng to lớn” ngay sau mỗi mùa mưa, chứ không phải chờ đến mai sau!

Ở Hà Nội chẳng hạn, việc khoét sâu lấy cát vào lòng sông đã khiến đáy sông Hồng thấp hơn nhiều so với sự chênh cốt của các con sông thông với nó. Nước không thể tự chảy từ chỗ thấp lên cao là nguyên nhân cái chết của dòng Nhuệ Giang vốn nuôi sống gần hai triệu cư dân trong lưu vực của nó.

 

Với khối vật chất khổng lồ của TP.HCM cũng thế. Nó đã ngốn bao nhiêu cát từ đáy những dòng sông quanh nó. Đáy những con sông lớn bị hạ thấp như “tạo điều kiện” cho nước mặn dễ tràn sâu vào.

Bây giờ, nhìn rừng nhà cao tầng mọc tua tủa ở Hà Nội, TP. HCM cũng như các đô thị lớn khác, tự hỏi có bao dãy núi đá đã tan vào trong đó, có bao đất đai nông nghiệp nằm trong những viên gạch xây nên chúng, có bao nhiêu tỷ mét khối cát hút lên từ các lòng sông đắp nên các cao ốc? Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước, chúng ta sẽ phải cần hàng trăm triệu tấn cát, đất, đá… để tôn cao nền. Bởi thế, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị tôn cao nền hàng trăm ngàn cụm dân cư ở các tỉnh ven biển… cũng như xây dựng hệ thống đê biển, sông.

Xin các cấp chính quyền hãy ghi nhớ và hình dung: Cuối thế kỷ này mực nước có thể dâng cao lên 1 m! Vậy thì cần bao nhiêu trăm triệu tấn cát, đất… để ứng phó với ngập nước? Cho nên, đã đến lúc thực hiện nghiêm chính sách khai thác cát ở các con sông từ Bắc chí Nam.

(Nguồn: VLXD.org)