Cuộc mua bán lớn thứ hai diễn ra trong tháng 9/2021 khi đó Companhia Siderúrgica Nacional (CSN) Cimentos đã được xác nhận là bên mua hoạt động kinh doanh xi măng ở Brazil của Holcim với giá mua 1,0 tỷ USD. Thoả thuận bao gồm 5 nhà máy xi măng đồng bộ, 4 trạm nghiền và 19 nhà máy sản xuất bê tông trộn sẵn. Ngay lập tức, nhà sản xuất thép CSN đã trở thành nhà sản xuất xi măng có công suất lớn thứ ba ở nước này. Công ty cũng đã mua Cimento Elizabeth với giá 220 triệu USD trong tháng 7/2021.
Châu Phi cũng nhận được phần tiếp nhận chuyển nhượng của mình, bắt đầu với Huaxin Cement có trụ sở ở Trung Quốc, có kế hoạch chi 160 triệu USD cho các nhà máy xi măng ở Zambia và Malawi của Holcim. Ngay khi hoàn thành, việc tiếp nhận chuyển nhượng này sẽ mang lại cho Châu Phi hai nhà máy xi măng đồng bộ ở Zambia có tổng công suất sản xuất là 1,5 triệu tấn/năm và một trạm nghiền công suất 0,25 triệu tấn/năm ở Malawi. Thoả thuận này cũng đáng được theo dõi vì Huaxin là một trong số các nhà sản xuất Trung Quốc có tầm cỡ quốc tế lớn nhất.
Tanzania cũng là quốc gia mà HeidelbergCement đã đồng ý mua cổ phần chi phối trong Tanga Cement từ AfriSam có trụ sở ở Nam Phi hồi tháng 10/2021. HeidelbergCement cũng đang vận hành một nhà máy đồng bộ ở nước này, ở Dar es Salaam, và hiện giờ sẽ có thêm một nhà máy nữa ở miền bắc. Việc mua bán chuyển nhượng này đáng quan tâm vì nó làm đảo ngược xu hướng chung trong các hoạt động mua chuyển nhượng của các công ty xi măng đa quốc gia có trụ sở ở phương tây trong những năm gần đây, bỏ lại các thị trường đang phát triển có nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, cho dù tình trạng dư thừa công suất lớn và cạnh tranh khốc liệt ở bản địa, công ty con bản địa của HeidelbergCement là Tanzania Portland Cement đã xoay xở để tăng lợi nhuận lên đáng kể trong những năm gần đây.
Một giao dịch đáng chú ý nữa liên quan tới Châu Phi là thoả thuận của Holcim trong tháng 11/2021 bán Holcim Madagascar, Holcim Reunion, Lafarge Comoros, Lafarge Mauritius và Lafarge Mayotte cho Cementis Océan Indien, một công ty con mới thành lập của Taylor Smith Investment có trụ sở ở Mauritius.
HeidelbergCement cũng đã thực hiện một đợt thoái vốn lớn ở miền Tây Hoa Kỳ cho Martin Marietta Materials khi công ty bán các hoạt động kinh doanh xi măng, cốt liệu bê tông, bê tông trộn sẵn và nhựa asphalt vùng miền Tây Hoa Kỳ của Lehigh Hanson ở California, Arizona, Oregon và Nevada với giá 2,3 tỷ USD. Đợt thoái vốn này bao gồm 2 nhà máy xi măng, nhưng không phải là nhà máy xi măng Permanente công suất 1,5 triệu tấn/năm ở California, các trạm phân phối có liên quan, 17 cơ sở sản xuất cốt liệu bê tông đang hoạt động và một số hoạt động kinh doanh sản phẩm đầu ra. Thoả thuận này đã kết thúc thành công trong tháng 10/2021.
Những điểm nổi bật trong vùng
Thị trường Trung Quốc đã hồi phục lần đầu tiên kể từ khi bùng phát Covid-19 vào đầu năm 2020. Sản lượng xi măng liên tục tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng lại bắt đầu giảm xuống kể từ tháng 5/2021. Đáng chú ý là, sản lượng quý III đã giảm 7%/năm từ 676 triệu tấn xuống còn 626 triệu tấn. Một loạt các yếu tố như thời tiết xấu, sự thắt chặt các quy định của nhà nước về bất động sản và các vấn đề năng lượng/chuỗi cung ứng đã nêu ở trên được cho là những nguyên nhân gây ra sự sụt giảm này. Tình trạng khó khăn trong lĩnh lực bất động sản của Trung Quốc đã được quốc tế biết đến, như Evergrande đã phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ của mình. Các công ty bất động sản khác cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nợ nần và hậu quả của tình trạng này đã có tác động lớn tới các nhà sản xuất xi măng địa phương và cả nền kinh tế địa phương lẫn các nền kinh tế trên toàn cầu.
Ngành xi măng của Ấn Độ đã hồi phục rất tốt trong năm 2021 sau những đợt đóng cửa liên quan tới virus corona mà gần như đã phải dừng hoạt động hoàn toàn vào mùa xuân năm 2020. Sản lượng sản xuất trong 9 tháng đầu năm đã tăng lên 24%/năm đạt 260 triệu tấn trong năm 2021 so với 209 triệu tấn trong giai đoạn cùng kỳ năm 2020. Cơ quan đánh giá xếp hạng ICRA dự đoán rằng sản lượng sản xuất đến cuối năm tài khoá 2020 sẽ tăng lên 12%, do nhu cầu nhà ở và hạ tầng cơ sở vùng nông thôn tăng lên. Các nhà sản xuất đã phải đối mặt với chi phí năng lượng đang gia tăng và đã phải chuyển đổi từ đốt than sang đốt than cốc hoặc nhiên liệu thay thế với mức tỷ lệ cao hơn nếu có thể.
Trái lại, Hoa Kỳ đã gặp phải những vấn về về chuỗi cung ứng và nhân công khi thị trường xi măng của Hoa Kỳ mở cửa trở lại sau khi bùng phát dịch bệnh virus corona và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của Cơ quan Quản lý Biden đang chờ được thông qua. Các chuyến tầu chở hàng đã tăng lên 1,9%/năm đạt 59,3 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2021 so với 58,2 triệu tấn trong giai đoạn cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhà sản xuất đều nhận thấy ngành này đang hoạt động tốt, riêng Cemex lưu ý rằng công ty đã tiêu thụ hết hàng ở hầu hết các thị trường trong quý III/2021, còn Holcim thì báo cáo rằng nguồn cung bị hạn chế ở một số nơi. Một vài chênh lệch về nguồn cung có thể thấy khi lượng xi măng và clinker nhập khẩu của nước này tăng 39% đạt tới 15,2 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2021.
Năm nay chắc chắn là năm rất thuận lợi cho hai quốc gia chính xuất khẩu clinker và xi măng trên thế giới. Các thành viên của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã tiêu thụ được 77,5 triệu tấn xi măng trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 3,5%/năm. Xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã tăng lên 19% đạt 31,9 triệu tấn. Công ty chứng khoán địa phương SSI Securities trong tháng 8/2021 đã đưa ra một tin xấu cho rằng ngành xi măng trong nước đã phải đối mặt với rủi ro “rất lớn” do phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong năm 2020, điều đó có nghĩa là chiếm 22% tổng doanh thu của nước này.
Ở phía bên kia của châu Á, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức cao 16 triệu tấn trong năm 2020, chiếm 23% tổng doanh thu của nước này. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu đã tăng lên 24%/năm đạt 36,3 triệu tấn và sự tăng lên này được cho là do doanh số bán hàng trong nước đã tăng cao hơn một chút so với lượng xuất khẩu. Indonesia, một nước xuất khẩu xi măng mới nổi, đã chứng kiến doanh số bán hàng 9 tháng tăng 5,5%/năm đạt 47,2 triệu tấn. Sement Indonesia đã đóng góp vào mức tăng trưởng này ở tất cả các vùng, ngoại trừ Bali Nusa Tenggara. Nhu cầu xi măng đóng bao của người tiêu dùng bán lẻ trong nước liên tục thúc đẩy doanh số bán hàng. Mức tận dụng công suất sản xuất đạt mức thấp 54% trong năm 2020, mặc dù vậy Indocement đã dự báo sẽ tăng nhẹ lên 55% trong năm 2021. Trong những năm gần đây, Indonesia cũng tập trung vào xuất khẩu và đã đạt mức cao 9,3 triệu tấn trong năm 2020.
Ở Mỹ La tinh, doanh số bán hàng của Brazil liên tục tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2021 và sau đó giảm dần. Thị trường xi măng vẫn đạt mức tăng trưởng đáng kể, tăng 9,4% lượng hàng xuất đạt 48,8 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, lạm phát, giá bán tăng và sự bất ổn định về chính trị trước khi diễn ra tổng tuyển cử vào cuối năm 2022 đang làm suy yếu nền kinh tế chung. Việc IPO (Phát hành lần đầu ra công chúng) bị huỷ bỏ của CSN là một trong những hệ quả của điều này. Intercement cũng đã huỷ bỏ IPO của mình trong tháng 7/2021, đưa ra lý do liên quan đến việc định giá thấp trong bối cảnh nhà đầu tư không chắc chắn.
Ở những nơi khác, tính đến nay, Colombia, Argentina và Peru cũng đều đã hồi phục các mức sản xuất trong năm 2021. Tuy nhiên, lượng hàng xuất của Colombia lẽ ra đã có thể cao hơn trong mùa xuân năm 2021 nếu như nước này không xảy ra những bất ổn xã hội. Argentina đã tiến hành kiểm soát giá bán trong tháng 6/2021 để chống lạm phát gia tăng. Xa hơn về phía bắc, Mexico báo cáo đạt mức tăng trưởng sản xuất cao 15%/năm, đạt 30,7 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2021. Cemex cho rằng mức tăng trưởng này đạt được là nhờ nhu cầu tăng mạnh và mức tận dụng công suất cao ở nước này ở mốc 9 tháng. Mức tận dụng công suất cao đó được đặc biệt quan tâm vì Cemex, trong tháng 2/2021, đã quyết định vận hành trở lại lò xi măng công suất 1 triệu tấn/năm tại nhà máy xi măng CPN ở Hermosilla, Sonora, để hỗ trợ thị trường Hoa Kỳ ở miền Tây Hoa Kỳ.
Ở châu Phi, một số vấn đề lớn được nói đến nhiều nhất trong năm 2021 liên quan tới việc kiểm soát của chính phủ đối với sản xuất hoặc xuất nhập khẩu. Quyết định của chính phủ Ai-cập trong tháng 6/2021 đưa ra để hạn chế sản xuất gần như được hoan nghênh, cho dù một số công ty đa quốc gia đã phàn nàn rằng quyết định này là nhằm trừng phạt các nhà máy cũ. Theo báo cáo, chương trình đã đưa ra mức giảm sản lượng xi măng tạm thời 11%, với việc cắt giảm thêm 3%/dây chuyền lò nung, trong một năm kể từ giữa tháng 7/2021.
Ở Tiểu vùng Sahara Châu Phi, cả Kenya lẫn Nam Phi đều đã bàn luận về kiểm soát nhập khẩu. Trước đó, uỷ ban chính phủ đã nhận thấy quốc gia này đang bị thiếu hụt 3,3 triệu tấn clinker/năm khi uỷ ban này bị ngành vận động hành lang thúc ép phải áp dụng đánh thuế đối với clinker nhập khẩu. Nghiên cứu đã cho thấy rằng Ai Cập và UAE chiếm 92% tổng lượng clinker nhập khẩu, và 7% nữa do Saudi Arabia cung cấp.
Trong khi đó, Nam Phi đã phải chiến đấu với hàng nhập khẩu từ lâu rồi, vì vậy quyết định cấm sử dụng xi măng nhập khẩu cho các dự án do chính phủ tài trợ trong tháng 10/2021 đã được hoan nghênh chào đón. Cuối cùng là, chiến lược xuất khẩu của Dangote Cement từ Nigeria đã phải đối mặt với một khó khăn tạm thời trong tháng 4/2021 khi khủng hoảng địa phương về giá xi măng ở Nigeria đã buộc công ty phải tạm thời ngưng xuất khẩu clinker từ các bến xuất của mình. Một nhà máy đồng bộ trước đó đã ngừng hoạt động đã được khởi động trở lại và một nhà máy mới nữa tại Okpella mới đây đã được báo cáo là sẽ đẩy mạnh sản xuất vào cuối năm nay. Các công ty khác cũng đang tích cực xây dựng các nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu.
Băng qua Biển Đỏ, sản lượng xi măng ở Saudi Arabia đã tăng lên 3,5%/năm đạt 39,7 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2021. Mức tăng này nói chung không xa với dự đoán của NCB Capital đưa ra trong tháng 3/2021 là 4%/năm. Doanh số bán hàng năm đã tăng mạnh đáng kể trong năm 2020 khi các chương trình nhà ở của chính phủ được bắt đầu thực hiện và dự kiến sẽ thu được nhiều lợi nhuận trong vài năm tới khi các dự án Giga thuộc Quỹ Đầu tư Công được triển khai thực hiện.
Vượt qua vùng Vịnh, các nhà sản xuất xi măng Iran đang trải qua một thời gian khó khăn hơn, với tình trạng thiếu hụt khí gas và điện được dự kiến sẽ xảy ra trong những tháng cuối mùa đông năm 2021. Sau khi đàm phán với Bộ Dầu mỏ, các công ty xi măng đã được cho phép tồn trữ một lượng dầu nhiên liệu nặng cho 15 ngày sử dụng để duy trì hoạt động của các máy phát điện mà cần được ưu tiên cho người sử dụng năng lượng trong nước. Điều này được đưa ra sau khi các nhà máy xi măng và nhà máy thép được lệnh dừng sản xuất trong 3 tuần hồi tháng 7/2021 do thiếu hụt. Không có gì đáng ngạc nhiên cả khi số liệu sản xuất xi măng 6 tháng của Iran (giữa tháng 3/2021 đến giữa tháng 9/2021) đã giảm đi 9%/năm xuống còn 32,4 triệu tấn.
Cuối cùng là Châu Âu, nơi Holcim đã lưu ý rằng vùng này có khả năng bù đắp lạm phát chi phí nhờ nhu cầu nói chung và kết quả đạt được rất tốt ở Vương Quốc Anh và Đông Âu. Kinh nghiệm của HeidelbergCement có thể so sánh rộng rãi, với doanh số bán hàng, khối lượng tiêu thụ và kết quả vận hành đều tăng >5% trong 9 tháng đầu năm nay. Trong khi Cemex đạt được tương tự, thì Buzzi Unicem lại báo cáo về một thực trạng phức tạp hơn ở Châu Âu, với tăng trưởng đạt được ở miền đông nhưng tình trạng suy yếu ở Đức đã trở nên tồi tệ hơn do thời tiết xấu trong suốt mùa hè. Một câu chuyện ở địa phương đáng được nhắc đến là cuộc chiến mà Cementa, công ty con của HeidelbergCement đã phải ở Thuỵ Điển để tiếp tục khai thác đá vôi tại mỏ đá cung cấp cho nhà máy Slite của mình ở Gotland. Việc gia hạn khai thác của công ty này đã bị từ chối hồi tháng 7/2021 và sau đó đơn kháng nghị đã được đưa ra trong tháng 8/2021. Hồi cuối tháng 10/2021, Cementa đã đe doạ sẽ đưa hạn ngạch bán hàng vào từ tháng 12/2021 vì công ty đang chờ xem chính quyền trung ương có can thiệp gì không.
.
Tên gọi mới, công ty mới?
Bên cạnh việc mở rộng vào Tanzania của HeidelbergCement là quyết định đa dạng hoá ngoài xi măng và bê tông của Holcim trong tháng 1/2021 khi công ty đồng ý mua nhà sản xuất tấm lợp và bao che xây dựng Firestone Building Products với giá 3,4 tỷ USD. Holcim vẫn là nhà sản xuất xi măng lớn nhất không phải của Trung Quốc, nhưng động thái này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về một nhà sản xuất vật liệu xây dựng nặng truyền thống đang chuyển hướng ra khỏi xi măng. Các vụ mua chuyển nhượng của công ty trong năm 2021 bao gồm bê tông trộn sẵn, cốt liệu bê tông và vật liệu xây dựng nhẹ. Các hoạt động thoái vốn của công ty chính là các công ty con xi măng.
Tất nhiên, năm 2021 cũng đã chứng kiến sự kết thúc của cái tên LafargeHolcim, khi các cổ đông của công ty bỏ phiếu thay đổi tên gọi của tập đoàn thành Holcim trong tháng 5/2021. Quyết định này đã đánh dấu sự kết thúc của ‘sự hợp nhất các công ty ngang bằng nhau’ nổi tiếng đã bị thất bại, được đề xuất lần đầu vào tháng 4/2014. Vào đầu năm 2015, các cổ đông của Holcim đã bày tỏ sự không hài lòng về mức chênh lệch giá trị nhận được giữa công ty của họ và Lafarge. Công ty hợp nhất cuối cùng đã phải kết hợp với các bên không ngang bằng nhau. Hiện giờ, với việc thay đổi giám đốc điều hành, một loạt các hoạt động thoái vốn ở đông nam Á và việc chuyển hướng ra khỏi vật liệu xây dựng nặng, Holcim mới được đổi tên đang thực sự bắt đầu cảm thấy giống như một sự lột xác hoàn toàn.
Tóm lại
Hậu quả của sự bùng dịch Covid-19 đã khiến chi phí ngành xi măng tăng cao hơn cả với các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn và lạm phát tăng lên. Bên cạnh đó, các hoạt động bền vững của ngành trên thế giới đang gia tăng cả về mục đích đã nêu, dưới dạng lộ trình và hành động, bao gồm cả sự quan tâm cao hơn tới các chương trình thí điểm CCUS, và các sản phẩm thấp CO
2. Tuy nhiên, điều này sẽ phải chịu chi phí. Vào đầu tháng 11/2021, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh đã liên hệ các chính sách bền vững với chi phí năng lượng trong nước tăng cao hơn ở UK. Nhiều khả năng ngành xi măng sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự trong năm 2022 và xa hơn nữa do lạm phát và chi phí CO2 net-zero đều đã lộ diện.
(Hết)