BÊ TÔNG LÀM TỪ RÁC THẢI NHỰA VÀ TÚI NI LÔNG

16/06/2020
1301Lượt xem

“Vấn nạn rác thải nhựa, túi ni lông đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của chúng ta. Từ thực tế đó, chúng em nảy ra ý tưởng sản xuất bê tông từ rác thải nhựa, túi ni lông thay thế vật liệu truyền thống như xi măng, cốt thép, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, em Đoàn Bình An, đại diện nhóm tác giả chia sẻ. 

Chịu được lực va đập lớn, có thể sử dụng lát vỉa hè, kè bờ biển, đúc thành ống cống, cọc tiêu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,... là ưu diểm nổi trội của bê tông do nhóm học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) chế tạo. Đáng ngạc nhiên là những tấm bê tông này lại được làm từ rác thải nhựa và túi ni lông. 
Nguyên liệu và vật dụng để chế tạo bê tông gồm nhiều thành phần như: Rác thải nhựa, túi nilon, cát, sỏi phơi khô, sắt thép dạng thanh, các hộp bánh bằng kim loại, ống dẫn khí, khuôn tạo khối bằng thép, dung dịch nước vôi trong, bếp lò... Rác thải nhựa, túi ni lông được thu gom cắt nhỏ, để khô, trộn với cát, sỏi theo tỉ lệ 1:1; sau đó, đun nóng ở nhiệt độ 80, 90, 100oC để phân tích các chỉ số và tạo ra sản phẩm. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, tính mới, sáng tạo của sản phẩm là sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông cùng với vật liệu khác (cát, sỏi, sắt thép…) tạo ra bê tông; khả năng ứng dụng cao, có thể thay thế cho bê tông truyền thống; chịu được các lực va đập lớn trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, nhất là môi trường nước mặn. Chúng có thể được sử dụng để lát vỉa hè, kè bờ biển, đúc thành ống cống, cọc tiêu… 

Bê tông làm từ rác thải nhựa của nhóm tác giả  có khả năng chịu lực tương đương khoảng 92% so với bê tông làm từ vật liệu thông thường. Sản phẩm đã được thử nghiệm cường độ nén bê tông tại Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng). Kết quả cho thấy, khả năng chịu lực tương đương khoảng 92% so với bê tông làm từ vật liệu thông thường.

Mô hình của nhóm tác giả mở ra hướng mới trong việc tạo ra các sản phẩm hữu ích phục vụ ngành xây dựng từ rác thải nhựa và túi ni lông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(Nguồn: VLXD.org)