Công nghệ trợ lý ảo phát triển
Sáng 1/10, tại Tọa đàm công nghệ do Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam và Trung tâm Chuyển giao tri thức trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Đức Tài - CEO Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam (Lumi) đã đề cập đến vấn đề sử dụng robot và xu hướng IoT (internet vạn vật) toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, đến năm 2040 robot sẽ lấy mất việc làm của nhiều người. Số lượng robot trong nhà có thể đông hơn số thành viên trong gia đình nhiều lần bởi có một loạt robot như robot là quần áo, rửa chén bát, nấu ăn, dọn bể bơi, chó giữ nhà...
Thực tế, Amazon rất thích lao động robot. Họ đã bỏ ra 775 triệu USD mua lại công ty Kiva, bước đầu để phuc vụ cho kho hàng, giảm lượng công nhân nhà kho, giảm chi phí hoàn thành đơn hàng và cải thiện được sự chính xác của các đơn hàng.
Ông Nguyễn Đức Tài - CEO Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam.
Một số ứng dụng hiện đại khác cũng đã xuất hiện trên thị trường như: gương thời trang cho phép khách hàng thử quần áo không cần thay đồ, nhà tắm có cảm biến đo sức khỏe, bồn vệ sinh có thể là một phòng thí nghiệm lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu...
Ngoài ra, công nghệ trợ lý ảo hiện cũng đang rất phát triển. Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển tới mức trợ lý ảo có thể cảm nhận được cảm xúc thông qua ngữ điệu, giọng nói để hiểu bạn.
Bên cạnh trợ lý ảo còn có đại diện ảo. Đại diện ảo sẽ hiểu bạn, tính cách, sở thích... và tự động giúp trả lời các quyết định, đàm phán với đối tác. Một đại diện ảo có thể vừa là luật sư, chuyên gia tài chính, bác sĩ hay gia sư cho học sinh.
Nhiều công nghệ hiện đại khác cũng đã được thế giới áp dụng như: ca sĩ ảo, robot y tá, xe tự lái, máy bay tự lái...
"Tự động hóa sẽ làm giảm nhiều công việc tay chân, công việc văn phòng và tạo môi trường cho những công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Công nghệ sẽ lấy đi việc làm của nhiều người nhưng cũng sẽ gia tăng nhiều công việc mới. Việc sử dụng 1 robot trong nhà máy mất 2 năm khấu hao, từ năm thứ 3 trở đi doanh nghiệp sẽ có lãi vì robot có thể làm 3 ca", ông Tài chia sẻ.
Làm chủ đồ vật trong nhà bằng giọng nói
Với xu hướng công nghệ 4.0 và sự bùng nổ của IoT, công nghệ nhận diện giọng nói sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Nhận thức rõ điều này, Lumi đã nhanh chóng đã "tung" ra giải pháp nhà thông minh bằng việc phát triển hệ cloud server qua bộ điều khiển trung tâm và chuẩn không dây zigbee và Bluetooth Mesh để điều khiển qua các thiết bị như Amazon Alexa (trợ lý ảo do Amazon phát triển) hoặc app do Lumi phát triển, các thiết bị thông minh và chiếu sáng thông minh.
Nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói của Lumi được bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế SSO Oauth 2.0. Khi nhận được lệnh, máy chủ của Amazon sẽ xử lý và gửi mã lệnh đến máy chủ của Lumi.
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và phát trực tuyến qua nền tảng Webex.
Theo đó, nếu muốn bật đèn, chỉ cần nói “Alexa, bật đèn” thông tin sẽ được truyền đến máy chủ Amazon, sau đó đến máy chủ Lumi. Tại đây, bộ điều khiển trung tâm của Lumi sẽ ra lệnh bật đèn và mở rèm trong tích tắc. Đây là nguyên tắc cơ bản của ngôi nhà “chủ nói nghe lời”.
Hiện tại, Lumi là công ty duy nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực nhà thông minh đáp ứng được các yêu cầu kiểm định khắt khe của Amazon.
Những thiết bị IoT mà Lumi đã triển khai gồm: công tắc cảm ứng; các bộ điều khiển trung tâm rất nhỏ gọn và rất nhiều chuẩn truyền thông có thể tích hợp vào đây; những thiết bị cảm biến đo thông tin môi trường, nhiệt độ, độ ẩm; cảm biến phát hiện chuyển động; bộ điều khiển hồng ngoại cho ti vi/điều hòa; thiết bị khác như điều khiển LED nhiều màu, modul điều khiển cho khóa thông minh, modul điều khiển cho cổng, rèm...
"Giải pháp nhà thông minh – một trong những ứng dụng IoT với các tính năng đặc biệt như nhận diện giọng nói … hứa hẹn là sự lựa chọn lý tưởng cho những gia đình có người già và trẻ nhỏ bởi tính an toàn, thân thiện và dễ sử dụng", ông Tài chia sẻ.
Hiện tại Lumi đã xuất khẩu được sang 3 quốc gia chính là Thái Lan, Ấn Độ và Israel. Đồng thời công ty cũng mới mở nhà phân phối tại 2 nước Lào và Campuchia.
Cũng tại tọa đàm sáng nay, TS Đinh Văn Dũng - Nghiên cứu viên chính Viện Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc, Kiến trúc sư trưởng Công ty HADTech đã trình bày đề tài đa dạng mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp các ngành sản xuất kinh doanh; đồng thời đề xuất cung cấp các giải pháp tư vấn chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp. |