PGS.TS VŨ QUỐC VƯƠNG VÀ ĐOÀN CHUYÊN GIA VMAT THAM GIA TỌA ĐÀM "CÀ PHÊ CÔNG NGHỆ"

17/09/2022
705Lượt xem
Sáng 17/9, lần đầu tiên Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam và Trung tâm Chuyển giao tri thức trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm "Cà phê công nghệ". PGS.TS Vũ Quốc Vương trình bày 2 nghiên cứu về vật liệu mới và vật liệu tái chế: Nghiên cứu bê tông tái chế từ công trình phá dỡ để làm vật liệu kè sông biển và sơn chuyên dụng để phục chế nhà cổ và công trình ven biển.

Toạ đàm diễn ra trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Sự kiện diễn ra trực tiếp tại Sàn Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị (Hà Nội), đồng thời được phát trực tuyến trên nền tảng zoom với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà sáng chế và cộng đồng doanh nghiệp.

Đoàn đại biểu Cafe Công Nghệ số thứ nhất

 

Thay mặt Ban Tổ chức, ông Vũ Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị (Cục Thông tin Khoa học & Công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học & Công nghệ) cho biết: Tọa đàm "Cà phê công nghệ" được tổ chức nhằm giới thiệu rộng rãi tới cộng đồng, doanh nghiệp về những kết quả nghiên cứu chắt lọc của các nhà sáng chế, nhà khoa học.

Ban Tổ chức mong muốn từ việc giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học đến cộng đồng sẽ thương mại hóa được các ý tưởng ra thị trường, gợi mở những sáng kiến của các nhà khoa học để ứng dụng trong sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.


Ông Vũ Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị phát biểu khai mạc tọa đàm.

"Chúng tôi hi vọng, các sản phẩm chắt lọc của các nhà khoa học sẽ được cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân và tổ chức quan tâm để từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu. Chúng tôi cũng kỳ vọng Sàn Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị sẽ là nơi tin cậy để các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, qua đó góp phần vào sự hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà sáng chế và DN", ông Vũ Mạnh Dũng chia sẻ.

Tại tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội đã giới thiệu nền tảng doanh nghiệp spin-off trong trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nền tảng này được đưa ra với mục tiêu tăng cường sự kết nối các nguồn lực của Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội với thực tiễn phát triển đời sống kinh tế xã hội nói chung và của lĩnh vực y tế nói riêng nhằm tăng cường ảnh hưởng xã hội và phát triển các nguồn lực, giúp trường phát triển theo định hướng một đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tính tự chủ cao, có tránh nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Đồng thời tăng cường gắn kết và gia tăng giá trị cho chuỗi hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và ứng dụng phát triển các sản phẩm có giá trị cao phục vụ cộng đồng của Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và lĩnh vực đào tạo nghiên cứu khoa học y tế nói chung.


GS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Thanh Hải cũng đã giới thiệu 4 nghiên cứu sản phẩm chữa bệnh sẵn sàng chuyển giao. Đó là công nghệ chế biến cám gạo ổn định làm nguyên liệu mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và thực phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ gia tăng giá trị sản phẩm đồng hành ngành chế biến đậu xanh; trà dưỡng sinh công nghệ mới; dịch vụ đánh giá, xét nghiệm nồng độ đa hormone.



Liên quan đến chủ đề vật liệu xây dựng, tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Quốc Vương - Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng - Đại học Thủy Lợi trình bày 2 nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao công nghệ về vật liệu mới và vật liệu tái chế: Nghiên cứu bê tông tái chế từ công trình phá dỡ để làm vật liệu kè sông biển và sơn chuyên dụng để phục chế nhà cổ và công trình ven biển.


PGS.TS Vũ Quốc Vương -Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng - Đại học Thủy Lợi.

Với sơn chuyên dụng để phục chế nhà cổ và công trình ven biển, ông Vương chia sẻ, nhà cũ hay bị ẩm mốc do khí hậu nóng ẩm nên rất cần dòng sơn phải có lỗ khí để thoát được khí. Ưu điểm của dòng sơn chuyên dụng này thân không có mùi, do đó thân thiện với môi trường. Ngoài ra, còn có mức giá rẻ hơn 10% so với các loại sơn khác trên thị trường hiện nay. Các công trình sử dụng loại sơn này sẽ được bảo hành 5 năm thay vì 2 - 3 năm như các hãng sơn đưa ra hiện nay.


Sau phần giới thiệu các mô hình nghiên cứu khoa học, các đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến sự kiện đã cùng trao đổi với các diễn giả nhằm hiểu rõ hơn về các mô hình nghiên cứu, cũng như đưa ra đề xuất, định hướng để hợp tác hiệu quả giữa các bên trong tương lai.


Cám ơn các nhà sáng chế, nhà khoa học, và các hiệp hội, doanh nghiệp đã dành sự quan tâm lớn cho sự kiện, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đồng sáng lập, kiêm Phó Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương bày tỏ mong muốn các nhà khoa học sẽ tiếp tục giới thiệu các ý tưởng, mô hình nghiên cứu, các sản phẩm sáng tạo phù hợp với thời đại để lan tỏa nhiều hơn nữa trong cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

"Ban Tổ chức sẽ quyết tâm làm ít nhất trong 1 năm, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của khoa học công nghệ, để mang hơi thở của khoa học công nghệ vào thực tế đời sống, qua đó không chỉ phục vụ cho người Việt mà còn cho hoạt động xuất khẩu", bà Hương Liên chia sẻ.


Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam là 1 trong số ít cơ quan báo chí chuyên sâu về khoa học công nghệ. Là cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, có mối quan hệ với các cơ quan truyền thông quôc tế, tạp chí xác định vai trò của mình trong việc gắn kết với các đề tài về khoa học - công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam.

"Sự kiện hôm nay mới chỉ 2 đề tài được các nhà nghiên cứu giới thiệu nhưng bản thân tôi thấy đó là bước khởi đầu cho nhiều đề tài khác được giới thiệu đến công chúng. Qua đó để thấy rằng việc truyền thông có vai trò rất quan trọng.

Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng những nghiên cứu, sáng chế của chúng ta vẫn chưa đưa được nhiều vào đời sống. Đây là sự lãng phí tiềm năng rất lớn. Các buổi sinh hoạt như hôm nay sẽ góp phần khắc phục được tình trạng này", bà Nguyễn Thị Bích Hường nói.


Theo Ban Tổ chức, với mục tiêu kết nối giữa các nhà khoa học, nhà sáng chế và cộng đồng doanh nghiệp, và đặc biệt là thương mại hóa được các ý tưởng, sáng chế, tọa đàm "Cà phê công nghệ" sẽ diễn ra hàng tuần theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp để ngày càng lan tỏa được các sáng kiến, ý tưởng sáng chế đến với cộng đồng và doanh nghiệp.

Chi tiết toàn bộ nội dung sự kiện: